Giải quyết nợ xấu ra hậu Covid - bài toán khó cần câu trả lời sớm từ NHNN

08:07 | 27/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vấn đề thu hồi và giải quyết nợ xấu vẫn là cơn đau đầu đối với các ngân hàng thương mại (NHTM). Quá trình thu hồi nợ xấu sau đại dịch Covid-19 đang làm đảo lộn nền kinh tế vẫn là câu hỏi khó cần được sớm giải quyết.

Thời gian vừa qua, báo chí đã phản ánh nhiều câu chuyện liên quan đến tình trạng khó thu hồi nợ xấu của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD). Các cán bộ ngân hàng cho hay, họ "dập đầu" khi phải đối mặt với những trường hợp phải xử lý nợ như thu hồi tài sản đảm bảo, hay niêm phong bất động sản đều là "cực chẳng đã".

Đại diện một ngân hàng giấu tên phản ánh với Báo Công an nhân dân: Khách hàng chây ỳ không trả nợ, để phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu kéo dài khiến ngân hàng buộc phải dùng các biện pháp thu hồi tài sản bảo đảm để tránh phát sinh nợ xấu. Quá trình thu hồi nợ được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật; nhưng các chủ sở hữu bất hợp tác, gây khó khăn và thậm chí vu vạ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thương hiệu của ngân hàng. 

Tình trạng "đứng cho vay, quỳ thu nợ" đã diễn ra trong ngành ngân hàng từ lâu, là nỗi ám ảnh lớn nhất của các Ngân hàng thương mại. Nhiều chủ sở hữu sử dụng nhiều chiêu trò, rời khỏi nơi cư trú. Thậm chí bóp méo xuyên tạc thông tin trên mạng xã hội, biến hành động hợp pháp theo quy định của các (TCTD) trở nên sai trái trong mắt dư luận. 

Giải quyết nợ xấu ra hậu Covid - bài toán khó cần câu trả lời sớm từ NHNN - ảnh 1

Ảnh minh họa

Cụ thể hơn, nhiều thống kê chỉ ra từ đầu năm 2021 chỉ có 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2020. Ngược lại, 17 ngân hàng đều có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình từ 0,05% đến 0,1%...

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp gây thiệt hại chung đến nền kinh tế thì nhiều tổ chức và chuyên gia đều cùng chung nhận định tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Dự báo của cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN đã cho thấy viễn cảnh không mấy khả quan về nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong những tháng sắp tới, cụ thể: Nửa cuối năm 2021 khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống có thể cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021.

Các thông số được dự đoán tương ứng sẽ khoảng 2%-3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ước tính ở mức 4%-4,5%. 

Những phương án nào để đối phó với nợ xấu trong tương lai gần?

Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tình hình triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" (Đề án 1058), Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.

Các tổ chức, ngân hàng thuộc khối nhà nước, tư nhân hay phi ngân hàng đều sẽ được giám sát chặt để việc tiến hành phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng này trong quá trình triển khai. 

Ngoài ra, NHNN cũng sẽ đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm hiện đã trong giai đoạn xây dựng Dự thảo Tờ trình. Bộ luật mới được kỳ vọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở pháp lý và các cơ chế xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD. Tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD. Bảo đảm sự an toàn, phát triển bền vững cho toàn hệ thống ngân hàng... 

Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực về ngành tài chính ngân hàng thì Chính phủ cần yêu các cơ quan sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và chiến lược phát triển ngành ngân hàng. Điều này phải dựa trên cơ sở thực tế áp dụng chính sách tại NQ 42 và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg đến hết năm 2020. 

Về phía NHNN, theo ông Lực thì cơ quan này cần tiếp tục làm việc với các NHTM kiểm soát rủi ro tín dụng từ quy trình cho vay. Tuy vẫn phải xây dựng kịch bản, hướng xử lý nợ xấu thì Ngân hàng trung ương cần  tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng và triển khai các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. 

H.S

Xem thêm: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình nợ xấu: Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng nội dung gì?