Giảm giá FIT ảnh hưởng đến việc đầu tư vào các dự án điện gió mới

16:58 | 27/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) theo đề xuất của Bộ Công Thương sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư vào các dự án điện gió mới đã lên kế hoạch ở Việt Nam...
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, đơn vị đề nghị cho ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án điện gió.
 
Trong đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió đến hết năm 2023, song đề xuất giảm mức giá FIT giai đoạn sau 1/11/2021.
 Giảm giá FIT ảnh hưởng đến việc đầu tư vào các dự án điện gió mới - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
 
Cụ thể, theo dự thảo của Bộ Công Thương, các dự án vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 sẽ áp dụng mức giá mua vào 7,02 cents/kWh cho điện gió mặt đất (giảm khoảng 17% so với giá FIT trước đó là 8,5 cents/kWh). Còn các điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ là 8,47 cents/kWh (giảm khoảng 13% so với giá FIT trước đó là 9,8 cents/kWh).
 
Đối với các dự án vận hành từ năm 2023 sẽ áp dụng mức giá lần lượt 6,81 cents/kWh. Dự án trên biển, dự kiến giá điện gió trong các giai đoạn tương ứng lần lượt là 8,47 Uscent/kWh và 8,21 Uscent/kWh.
 

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hoang mang

 
Trước thông tin liên quan đến dự thảo trên của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này đã tỏ ra hoang mang, lo lắng.
 
Phản biện lại mức giá FIT được đưa ra theo đề xuất của bộ Công Thương, Hội đồng năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng, việc cắt giảm mức giá FIT sẽ làm ảnh hưởng đến việc đầu tư vào các dự án điện gió mới đã lên kế hoạch ở Việt Nam, cũng như đe dọa vị trí hiện tại của đất nước là thị trường điện gió hàng đầu ở Đông Nam Á.
 
Theo đó, các nhà đầu tư vốn đã phải đối mặt với sự chậm trễ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và những thách thức chung gặp phải đối với thị trường điện gió, do đó, trong giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn về việc đóng tài chính, có thể dẫn đến "phá sản" làm giảm tới 80% việc lắp đặt điện gió mới vào năm 2023, và 25% mỗi năm sau đó.
 
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Nhà đầu tư dẫn lời ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC cho biết, ngành công nghiệp điện gió đang trên đà đạt được lợi thế về quy mô và giảm chi phí, điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường điện gió hàng đầu ở Đông Nam Á, nhưng nếu mức giá FIT theo đề xuất của Bộ Công thương được thực hiện, nó sẽ gây ảnh hưởng lâu dài, dẫn đến giá năng lượng cao hơn vào thời điểm nhu cầu năng lượng của đất nước đang tăng.
 
“Chúng tôi đã từng thấy điều này xảy ra ở các thị trường gió ở châu Âu và châu Mỹ trước đây với những tác động gây thiệt hại lớn, và điều quan trọng là chính phủ Việt Nam tránh tạo ra một chu kỳ 'bùng nổ và phá sản' tương tự để đất nước có thể hưởng lợi từ chi phí, giá cả cạnh tranh và lợi ích kinh tế xã hội mà điện gió có thể mang lại”, ông Ben Backwell nói.
 
Cũng nói về vấn đề này, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm đặc nhiệm Đông Nam Á (thuộc GWEC) cho rằng, các dự án điện gió có thời gian phát triển dài hơn so với dự án điện mặt trời, nên việc giảm mức giá FIT nhẹ hơn sẽ đảm bảo có đủ thời gian để phát triển dự án ổn định và chuỗi cung ứng cho ngành điện gió.
 
Tuy nhiên, việc cắt giảm mức giá FIT mà không tính đến các thách thức liên quan sẽ dẫn đến thu hẹp quy mô các dự án điện gió của Việt Nam và khả năng thiếu hụt các mục tiêu điện gió trong thời gian tới.
 
“Ngành điện gió sẽ là một trụ cột quan trọng cho các chiến lược công nghiệp hóa và khử cacbon của Việt Nam, do đó, Việt Nam không nên để mất đà phát triển thị trường điện gió”, ông Mark Hutchinson nhấn mạnh.
 
 
Giảm giá FIT ảnh hưởng đến việc đầu tư vào các dự án điện gió mới - ảnh 2
Kéo dài thời điểm áp dụng giá FIT cũng sẽ không có lợi cho đầu tư nội lực 
 
Trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, việc kéo dài thời điểm áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đến hết năm 2023 của Bộ Công Thương sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành điện gió, cũng như các doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực này.
 
Vị đại diện này cho rằng, nếu cơ chế giá điện gió không được duy trì sẽ không thu hút được các doanh nghiệp và nhà đầu tư, dẫn đến nghị quyết 55 của Bộ Chính trị không được thực thi hiệu quả, không thu hút được nguồn lực tư nhân và xã hội hóa.
 
Đồng thời, việc kéo dài thời điểm áp dụng giá FIT cũng sẽ không có lợi cho đầu tư nội lực mà chỉ có lợi cho các nhà đầu tư bán thiết bị nước ngoài do đòi hỏi nguồn vốn lớn, nên các nhà đầu tư trong nước khó có cơ hội cạnh tranh.
Các dự án điện gió đa phần đòi hỏi cao và phức tạp về kỹ thuật và bị phụ thuộc vào yếu tố thời tiết trong thi công, vì vậy thời gian thi công chậm dẫn đến gia tăng chi phí. Trong khi đó, tác động của dịch COVID-19 đến nguồn cung cấp thiết bị điện gió, thi công, vận chuyển và lắp đặt thời gian qua đã làm ảnh hưởng nặng nề thời gian thi công của các dự án điện gió.
 
Khi Luật Quy hoạch và chi phí đất đai tăng lên, các dự án tốt đã được các doanh nghiệp đặt giữ chỗ và thực hiện. Thời gian giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt dự án xây dựng, thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện và các thỏa thuận khác sẽ mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, vấn đề giải tỏa công suất và truyền tải đến nay vẫn chưa được giải quyết.
 
VEA đề nghị kéo dài giá FIT hiện tại tới khi đấu thầu rộng rãi
 
Liên quan đến đề xuất của Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng vừa có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, kiến nghị về việc tăng thời gian hưởng giá FIT của điện gió và điện mặt trời.
 
Tại văn bản, VEA cho biết, trong những năm qua các doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời và điện gió phát triển rất mạnh, tính đến nay đã có gần 8.000MW công suất đạt, đóng góp khoảng 5 tỷ Wh/năm cho sản lượng điện quốc gia.
 
Theo VEA, nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực này đang vướng mắc khó khăn về cơ chế giá, đặc biệt là trong lúc Chính phủ chưa ban hành và chưa thực hiện được rộng rãi quy chế đấu thầu và tổ chức đấu thầu điện mặt trời, điện gió trên toàn quốc.
 
Do đó, VEA đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài giá FIT hiện tại của điện gió và điện mặt trời thêm ít năm nữa khi nào Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện được việc đấu thầu rộng rãi, lúc đó mới thay đổi giá điện gió, điện mặt trời.
 
Minh Hoa