3 vấn đề tồn tại trong cơ chế phát triển điện gió ở Việt Nam
Ban Kinh tế Trung ương đánh giá diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội; là nơi các bộ, ngành Trung ương và địa phương thảo luận, đề xuất những cơ chế, chính sách mới; tạo kênh kết nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, chuyên đề 3 tập trung thảo luận về vấn đề "Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045". Phiên này đề cập tới kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong phát triển điện gió, điện mặt trời áp mái và sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió lớn, nhưng doanh nghiệp vẫn lo lắng
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió. Hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65m. Đặc biệt, khoảng 8% diện tích lãnh thổ, tương đương 112 GW có tiềm năng năng lượng gió tốt. Cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam được dự báo có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới.
Đến cuối năm 2021, tổng công suất đăng ký đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khoảng 154 GW. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ cùng khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi; đến năm 2045 công suất đặt điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 64.500 MW.
Nhận định về vai trò của điện gió ngoài khơi với Việt Nam, ông Mark Hutchinson - đại diện Hội đồng năng lượng gió toàn cầu cho biết, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Với sự hỗ trợ của quy hoạch điện VIII, điều này sẽ giúp hỗ trợ phát triển và hiện đại hóa kinh tế, cũng như tạo việc làm thông qua ngành năng lượng tái tạo đang phát triển ở Việt Nam.
“Điện gió ngoài khơi sẽ góp phần cải thiện an ninh năng lượng và cán cân thương mại bằng cách giảm nhập khẩu than và khí đốt. Nhưng việc phát triển điện gió ngoài khơi cần cơ chế hỗ trợ ở thời điểm ban đầu trước khi nó có thể cạnh tranh hoàn toàn với khí đốt và than đá” - ông Mark Hutchinson nhận định.
Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ với phóng viên, ông Lê Trường Thuỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty thuỷ điện Mai Châu - Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Mường Sang - Mộc Châu, Sơn La cho rằng phát triển điện gió tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là ở cơ chế đấu thầu.
"Với riêng điện gió, chúng tôi cũng đang hợp tác đo gió và hợp tác với công ty nước ngoài ở một số tỉnh. Để thực hiện một dự án điện gió, không chỉ cần đo gió ở Việt Nam mà còn cần bản đồ gió thế giới, xem tốc độ gió, thời gian gió, sau đó mới chọn điểm làm dự án. Mỗi một bước cần rất nhiều sự đầu tư về kinh tế, lên tới vài tỷ, thậm chí cả chục tỷ. Nhưng vướng mắc trong cơ chế đấu thầu có thể khiến doanh nghiệp “mất trắng”", ông Thủy cho hay.
Cùng đó là vấn đề giá điện. Theo vị này, giá điện phải phù hợp khi doanh nghiệp cân nhắc việc đầu tư có lãi không. "Bên công ty tôi, xu hướng là vay nước ngoài, bởi lãi suất trong nước còn cao. Tôi vay nước ngoài với lãi 3-5%/năm là ngoại tệ, chủ yếu là USD. Nếu như ngành điện trả tiền hợp đồng bằng USD là rất tốt".
Một vấn đề khác mà ông Thủy lo lắng là việc "khi các nhà đầu tư cạnh tranh thì giá thành sẽ hạ thấp. Và trong tương lai, nếu điện trên lưới thừa, họ không mua điện của mình nữa thì sao?".
3 vấn đề tồn tại trong cơ chế phát triển điện gió ở Việt Nam
Phát biểu tổng kết hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, có 3 nhóm vấn đề còn tồn tại trong việc xây dựng năng lượng tái tạo, tháo gỡ khúc mắc để điện gió có cơ hội phát triển ở Việt Nam.
Vấn đề thứ nhất là hệ thống cơ chế, chính sách cần được công khai, minh bạch, nhanh chóng đi vào thực tế. “Chúng tôi cũng rất sốt ruột khi nhiều cơ chế, chính sách chưa được thể chế hoá để triển khai. Bởi với ngành nghề mới như điện gió ngoài khơi, chưa bao giờ xây dựng, phát triển nên không tránh khỏi những lúng túng. Đánh giá khách quan, cơ chế chính sách còn rất chậm, mặc dù đã đề xuất là ngay sau nghị quyết sẽ nhanh chóng triển khai quy hoạch điện VIII và điện năng lượng quốc gia. Và rất nhiều thể thế chính sách khác như: thị trường năng lượng cạnh tranh, mua bán điện trực tiếp, thúc đẩy sản xuất điện tự sản, tự tiêu,... hoặc các chính sách thúc đẩy tạo lập hệ sinh thái cho ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam.
Ví dụ như trong Nghị quyết 55, cần có các cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống điện, trong đó có hệ thống truyền tải. Nếu chúng ta giải quyết tốt trong những năm qua, đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải, cùng với xử lý hệ thống điện truyền tải quốc gia thì chắc sẽ không phải chịu những áp lực thiếu điện như thời gian gần đây”- Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận.
Thứ hai là vấn đề liên quan đến nguồn lực. Theo đại diện ban Kinh tế Trung ương, để đạt được mục tiêu quy hoạch điện VIII mỗi năm cần 12 -12,5 tỷ USD đầu tư cho nguồn điện và 1,5 tỷ USD đầu tư cho lưới điện truyền tải. Việt Nam không thể chỉ phụ thuộc vào nguồn lực trong nước mà còn cần cơ chế để thu hút, mời gọi nguồn lực đầu tư bên ngoài, hoặc cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài với định hướng cụ thể.
Thứ ba là việc phát triển công nghệ.
Theo ông Hiển, các ý kiến tại hội thảo sẽ được ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, nghiên cứu để đưa vào cơ chế, chính sách thời gian tới.