Giảm lãi suất cho vay chưa có tác động nhiều tới doanh nghiệp

21:45 | 21/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nhận định của chuyên gia trước việc mới đây, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên như vốn phục vụ nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Để làm rõ hơn những tác động của việc giảm lãi suất này, phóng viên Tạp chí doanh nhân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.

Giảm lãi suất cho vay chưa có tác động nhiều tới doanh nghiệp - ảnh 1
 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
Thưa ông, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất 0,5%/năm, ông nhận định thế nào về việc này?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất những tháng cuối năm là động thái tích cực và hợp lý tại thời điểm này, vì các doanh nghiệp vẫn kêu ca lãi suất cho vay cao. Vì vậy để bổ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp là hợp lý.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, liệu vấn đề giảm lãi suất này tác động thế nào đến lạm phát. Đúng là bất cứ trường hợp nào mà Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất thì thể hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhưng tại thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả, và hy vọng năm nay tỉ lệ lạm phát là dưới 4%, như Quốc hội đề ra.
Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát lạm phát tốt thì việc giảm lãi suất có thể vẫn ở trong một mức độ Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được để không bùng phát lạm phát. Bên cạnh đó, vấn đề giảm lãi suất ở đây cũng tác động đến tỷ giá. Khi giảm lãi suất thì giá trị của tiền đồng so với đô la có thể giảm, có nghĩa là tỷ giá tiền đồng so với đô la sẽ đẩy lên. Điều này có lợi cho xuất khẩu.
Việt Nam cũng như tất cả quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế thế giới đang suy giảm và đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam.Vì vậy, để bổ trợ cho xuất khẩu thì vấn đề tăng tỷ giá lên là điều cần thiết. Và để tăng tỉ giá, việc hạ lãi suất cũng là điều đóng góp cho vấn đề này.
Theo ý kiến của ông, việc hạ lãi suất này có lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, liệu việc hạ lãi suất có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán?
 Ông Nguyễn Trí Hiếu: Có thể có mà cũng có thể không. Nếu chi phí vốn của các ngân hàng cũng giảm thì biên độ lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì khoảng 3%. Thành ra doanh thu thì giảm nhưng lợi nhuận của họ có thể được duy trì.
Giảm lãi suất cho vay chưa có tác động nhiều tới doanh nghiệp - ảnh 2
 Ảnh minh họa: Linh Cầm.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Vì trên nguyên tắc, bao giờ giảm lãi suất cũng sẽ đẩy giá chứng khoán lên. Bởi giá chứng khoán, giá cổ phiếu và lãi suất luôn luôn ngược chiều với nhau.
Trên nguyên tắc nếu giảm lãi suất lần này, ví dụ là 0,5% thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, giá cổ phiếu sẽ dựa vào rất nhiều yếu tố khác, ngoài vấn đề lãi suất. Chẳng hạn thị trường chứng khoán Việt Nam dựa rất nhiều vào khối ngoại. Nếu khối ngoại chuyển động mạnh thì nhà đầu tư sẽ rút tiền ra. Như thế họ sẽ bán cổ phiếu và đẩy giá cổ phiếu xuống. Ở đây dựa rất nhiều vào điều kiện. Tuy nhiên nếu những điều kiện khác không thay đổi, mà chỉ vấn đề lãi suất không thì hạ lãi suất xuống sẽ đẩy giá cổ phiếu lên.
Theo ông đánh giá thì việc giảm lãi suất 0,5% có đủ hỗ trợ cho doanh nghiệp?. Đồng thời nó có ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp không thưa ông?
 Ông Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn là có tác động, nhưng có 2 yếu tố. Thứ nhất là cần độ trễ, bởi vì giảm lãi suất ở đây không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng. Có những doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất hiện tại cho đến thời điểm lãi suất được điều chỉnh. Thành ra cho đến thời điểm đó, nếu những doanh nghiệp đang chịu lãi suất hiện tại mà đang có giá trị thì không có tác động.
Thứ hai, lãi suất cho vay cũng đã rất cao (9-11%), bây giờ giảm 0,5% cũng có tác động nhưng không nhiều. Nếu muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp thì ít nhất phải giảm 1%.
Mặt khác, việc giảm ở 0,5% thì cũng không ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì các doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn vay của các ngân hàng, nên chi phí về vốn của các doanh nghiệp rất lớn. Trung bình một doanh nghiệp vay phải trả trung bình từ 9-11%. Nếu bây giờ giảm 0,5% thì giảm chi phí ở mức độ rất thấp. Như vậy, muốn giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp thì cần phải giảm ở mức khoảng 1%.
Xin cảm ơn ông!