Giảm tác động điều tra thương mại từ Mỹ : “Quả bóng” nằm trong chân doanh nghiệp Việt
Cần làm gì để giảm tác động điều tra thương mại từ Mỹ là vấn đề doanh nghiệp không thể thờ ơ. Bởi vì, “quả bóng” nằm trong chân doanh nghiệp Việt…
Tờ Doanhnhansaigon đăng lời khuyên của ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN về việc doanh nghiệp (DN) cần làm gì để giảm tác động điều tra thương mại từ Mỹ.
Theo ông Thành, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ năm 2020 xấp xỉ 70 tỷ USD, cùng với các cuộc điều tra gần đây theo Điều 301 của Mỹ về gian lận thương mại đối với ba ngành hàng là đồ gỗ, dệt may và lốp xe là đáng lo ngại đối với DN Việt Nam. DN Việt đang có thương mại với Mỹ cần phải làm gì để tránh rủi ro khi xuất hàng vào thị trường này?
Trước hết, DN Việt Nam đang có giao thương với Mỹ phải theo dõi sát sao những động thái từ các cơ quan như Bộ Tài chính, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) về các cuộc điều tra lốp xe, gỗ nội thất và hàng dệt may của Việt Nam. Đồng thời phối hợp và làm việc chặt chẽ với những đối tác là DN tại Hoa Kỳ để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra từ áp thuế trừng phạt, nếu có.
DN Việt làm việc chặt chẽ với những đối tác lHoa Kỳ để hạn chế những tổn thất
Đối với cuộc điều tra về lốp xe, cuối năm ngoái Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra kết luận Việt Nam phá giá tiền tệ khoảng 4%. Vậy, với việc đồng tiền Việt Nam bị cáo buộc phá giá khoảng 4% so với đồng USD thì họ có thể căn cứ vào đó để kết luận mặt hàng lốp xe Việt Nam được trợ giá từ 6-10%, từ đó áp thuế chống trợ cấp (countervailing duty) tương ứng với mức được trợ cấp.
Với đồ gỗ, hai bên đã có một cuộc điều trần vào cuối năm 2020. Phía Việt Nam cũng như nhiều hiệp hội ngành hàng Mỹ có quyền lợi liên quan và nhiều nhà lập pháp Mỹ đều khẳng định DN Việt Nam không sử dụng gỗ lậu. Đây là thông tin có lợi cho DN Việt Nam.
Trước cuộc điều trần trên cũng có nhiều tin đồn Mỹ có thể áp thuế đối với đồ gỗ Việt Nam đến 20%. Việc ship hàng sớm khi chưa có lệnh trừng phạt thuế để khi có hiệu lực thì không hồi tố mà có hiệu lực từ thời điểm đó về sau. Trong tình hình này, DN Việt Nam có thể đáp ứng được bằng cách tăng công suất nhà máy nhưng lại gặp phải tình trạng không có container để chở hàng.
Nếu USTR áp thuế trừng phạt đồ gỗ nội thất thì tất cả mặt hàng từ Việt Nam xuất sang Mỹ cho DN Mỹ làm đầu vào sản xuất sẽ phải chịu thuế. Chính vì thế, các công ty hay nhà đầu tư Mỹ có cùng lợi ích với DN Việt Nam có thể phối hợp chia sẻ thông tin, lập liên minh để cùng kháng cáo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
Trong các bản góp ý phiên điều trần cuối năm 2020, chính lập luận của các công ty hay hiệp hội DN Mỹ có sức nặng hơn DN Việt Nam. Vì nếu DN Mỹ trình bày được rằng việc áp các mức thuế trừng phạt sẽ làm tổn hại cho lợi ích của chính DN Mỹ và ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ thì hiệu quả hơn đối với việc ngăn USTR ra kết luận Việt Nam vi phạm. Khi đó, bản thân USTR phải đưa ra nhiều lựa chọn, phải cân nhắc kỹ xem Việt Nam có vi phạm hay không. Nếu có vi phạm thì lựa chọn nào được đưa ra để Việt Nam khắc phục. Hoặc trường hợp áp thuế trừng phạt thì cũng phải chọn mức thuế nào cho DN Mỹ và người tiêu dùng Mỹ ít bị ảnh hưởng nhất.
Tiếp đó là giải pháp cân bằng thương mại. Ông Thành cho rằng, điều mà chính quyền Mỹ, dù là Tổng thống Trump hay Tổng thống Biden hướng tới không phải là Mỹ giảm nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, mà mục tiêu quan trọng nhất là tăng xuất khẩu hàng Mỹ sang Việt Nam. Vậy thì Việt Nam có thể làm gì để nhập hàng hóa Mỹ nhiều hơn để tránh rủi ro bị điều tra. Vấn đề bây giờ là “quả bóng đang nằm trong chân” Chính phủ và DN Việt Nam.
Nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam đang cần rất nhiều thứ từ Mỹ, ví dụ LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) để phát điện, những hợp đồng dạng này trị giá hàng tỷ USD. Hay những mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất, như bông vải hay các sản phẩm dùng trong nông nghiệp và chăn nuôi, hoặc sản phẩm phục vụ công nghệ sinh học.
Dư địa cho các ngành hàng này còn rất lớn và Việt Nam vẫn đang tương đối bảo hộ và các rào cản đối với các mặt hàng Mỹ như vậy vào Việt Nam còn cao. Vậy nếu Việt Nam gỡ bỏ hay giảm bớt các rào cản đó, chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể cán cân thương mại theo hướng hàng Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn. Đây là những giải pháp hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Việt Nam, nó cũng không vi phạm lợi ích quốc gia mà ngược lại, thực sự cần thiết cho nền kinh tế.
Nếu USTR áp thuế trừng phạt đồ gỗ nội thất thì tất cả mặt hàng từ Việt Nam xuất sang Mỹ cho DN Mỹ làm đầu vào sản xuất sẽ phải chịu thuế.
Trong những mảng như năng lượng, DN Việt Nam phải tích cực hơn trong việc triển khai các dự án điện nhằm sớm nhập thêm LNG của Mỹ. Hay các DN có sử dụng nguyên liệu nhập từ Mỹ, cần xác định mô hình và chiến lược kinh doanh như thế nào để các nguyên liệu đó vẫn đảm bảo lợi nhuận hợp lý ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã mở cửa thị trường nhiều hơn cho DN Mỹ. Tuy nhiên, tính hiệu quả vẫn còn thấp và không phải ý muốn chủ quan nào cũng có thể triển khai được ngay. Chẳng hạn, Việt Nam rất muốn sớm nhập khẩu LNG của Mỹ nhưng lại liên quan đến thị trường điện, khách hàng và cả nền kinh tế, bao gồm người dân (hộ tiêu dùng đơn lẻ) và DN có sẵn sàng chấp nhận giá điện cao hơn không để đổi lấy chất lượng và sự ổn định của nguồn điện khi phát điện bằng LNG. Từ đó ảnh hưởng tới tốc độ phê duyệt các dự án điện khí và còn kéo theo một loạt vấn đề khác có liên quan, như quy trình đấu thầu, giá mua bán điện khiến cho việc nhập khẩu LNG từ Mỹ chậm lại.
Đối với các mặt hàng khác thì vừa liên quan đến cơ chế thị trường vừa liên quan đến tính hiệu quả của nền kinh tế, Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế mặt tích cực của cuộc điều tra của Mỹ đang thúc đẩy Chính phủ và DN Việt Nam đi theo hướng khẩn trương chứng minh Việt Nam không phá giá tiền đồng, Việt Nam sẽ nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ, chứ nếu “không động đậy” thì hệ lụy xảy ra ngay.
Cũng bàn về vấn đề giảm tác động điều tra thương mại từ Mỹ nói riêng và từ nước ngoài nói cung, ông Phùng Gia Đức- Phó trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, ông Phùng Gia Đức lưu ý các DN phải tìm hiểu kỹ chính sách của nước nhập khẩu, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, đồng thời cần tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng để tránh bị điều tra.
“Đây là cuộc chơi ta buộc phải tham gia. Chúng ta cần chuẩn bị tốt, cần có kiến thức về phòng vệ thương mại và hiểu rõ bản chất công cụ này để ứng phó. Tránh để hàng đã xuất đi, sau 2-3 tháng lênh đênh trên biển đến khi cập cảng nơi nhập khẩu mới té ra bị đánh thuế gấp 1-2 trăm lần”.
Bà Phan Mai Quỳnh- Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, các DN XK phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bởi để giữ được thị trường, mở được thị trường thì ngoài hàng tốt, chất lượng, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu khách hàng thì còn phải chứng minh được tính minh bạch.
“Ngay như sản phẩm đệm mút, đầu năm Mỹ điều tra, giữa năm Canada điều tra, như thế cho thấy khi thị trường này mắc thì chuyển sang thị trường khác cũng không tránh được rủi ro, cũng không tránh được điều tra”, bà Phan Mai Quỳnh dẫn chứng.
95% các vụ kiện của Mỹ sẽ thành hiện thực và áp mức thuế cao, vì vậy hãy tránh không để bị kiện, bà Phan Mai Quỳnh khuyến nghị, đã có hoạt động XK thì DN cần sớm xây dựng đội ngũ về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong nội bộ DN, không nên đến lúc bị điều tra mới lo ứng phó. Các DN phải có kiến thức và phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống sản phẩm của Việt Nam bị điều tra, và khi có thông tin bị điều tra cần thông báo ngay với các hiệp hội và Bộ Công Thương.
Cục Phòng vệ Thương mại luôn có cảnh báo sớm để hỗ trợ DN, vì vậy các DN xuất nhập khẩu cần cập nhật thông tin từ Cục và trang bị cũng như chuẩn bị kỹ kiến thức. Nếu chuẩn bị kỹ sẽ vượt qua được các hàng rào điều tra chống bán phá giá. DN và các hiệp hội cần lưu ý cập nhập thông tin, có bộ kiểm soát về giá trị, lượng XK sang thị trường đó, sử dụng thông tin để hưởng mức thuế thấp nhất.
Minh Hoa