Giảm tiền thuê đất - Bài 1: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thùy Dương/ TTXVN 16:24 | 13/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp về chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Được thực hiện từ năm 2022, bước sang năm 2023, Chính phủ tiếp tục có quy định về giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp thuê đất phát triển kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Với chính sách này, doanh nghiệp sẽ có thêm một nguồn tài chính, sự động viên tạo động lực tiếp đà phục hồi trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn. Để đảm bảo chính sách này đến với tất cả đối tượng thụ hưởng, ngành thuế đã triển khai ngay khi quyết định có hiệu lực. Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu chùm 3 bài về chính sách thuế này.

Bài 1: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Vào cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01/2023/QĐ-TTg quy định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Với chính sách này, doanh nghiệp sẽ có thêm một nguồn tài chính, sự động viên tạo động lực tiếp đà phục hồi trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn. Để đảm bảo chính sách này đến với tất cả đối tượng thụ hưởng, ngành thuế đã triển khai ngay khi quyết định có hiệu lực vào cuối tháng 1/2023.

Theo đó, Quyết định 01/2023/QĐ-TTg nêu rõ giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2022 đối với người thuê đất, thuê mặt nước theo quy định; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất, thuê mặt nước còn nợ của các năm trước năm 2022 và tiền chậm nộp (nếu có). Mức giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước nêu trên được tính trên số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2022 theo quy định của pháp luật.

Nhờ chính sách giảm tiền thuê đất vừa được ban hành, Công ty cổ phần VinaFco tại Thanh Trì đã giảm được khoảng 1,2 tỷ đồng, giúp công ty cân đối được bài toán tài chính cho nguồn lao động, đầu tư nghiên cứu phát triển. Ảnh: Thùy Dương.

Thuê hơn 4.000 m2 đất tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), ông Hoàng Đình Kiên, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần VinaFco cho biết, đơn hàng giảm so với năm ngoái, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thiếu, Công ty cổ phần VinaFco đang đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, nhờ chính sách giảm tiền thuê đất vừa được ban hành, công ty đã giảm được khoảng 1,2 tỷ đồng giúp công ty cân đối được bài toán tài chính cho nguồn lao động, đầu tư nghiên cứu phát triển.

Theo ông Hoàng Đình Kiên, việc giảm tiền thuê đất giúp giảm chi phí tài chính của công ty trong bối cảnh mọi chi phí đều đang tăng. Vì vậy, khi có chi phí nào đó được giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến chi phí chung cho công ty, công ty rất phấn khởi.

Hoạt động tại Hòa Bình, Công ty cổ phần thương mại Đinh Nhuận cũng đã hoàn thành xong các thủ tục đăng ký để được giảm 30% tiền thuê đất theo quy định.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phạm Thị Nhuận cho biết, số tiền hỗ trợ dù không nhiều nhưng công ty đã có thêm một khoản vốn để mua hàng hóa.

Đánh giá về chính sách thuế khi được áp dụng, chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất là "một mũi tên trúng nhiều đích", mang lại kết quả tốt cho cả doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Bởi số tiền thuế gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu thông. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu.

Do đó, ngay khi Quyết định của Chính phủ được ban hành, để các đối tượng được thụ hưởng chính sách thuận lợi nhất, Tổng cục Thuế đã lập tức ban hành công điện đề nghị cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các phòng, chi cục thuế khẩn trương triển khai trên tinh thần “không để trường hợp người nộp thuế không được thụ hường do không có thông tin”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thùy Dương

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hòa Bình cho hay, Cục thuế tỉnh đã có văn bản triển khai với các đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan thuế quán triệt cán bộ, công chức cũng như hướng dẫn cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuê đất ra, giảm tiền 30 % đất theo quyết định.

Bên cạnh đó, Cục thuế Hòa Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, gửi thông tin về đối tượng được giảm theo trình tự, thủ tục, thời hạn mà phải nộp đơn xin miễn, giảm tiền thuê đất chuyển cơ quan thuế cũng thông tin trên trang zalo, facebook của ngành điện tử, đặc biệt là cũng đã tuyên truyền các bài báo trên báo của trang web tỉnh của Cục thuế giới thiệu về chi tiết thì phải từ quyết định này.

“Dự kiến khoảng 280 người nộp thuế, bao gồm các doanh nghiệp, các cá nhân có thuê đất trên địa bàn với số tiền thụ hưởng khoảng trên 20 tỷ đồng. Đến thời điểm này, chúng tôi đã tiếp nhận 50 hồ sơ gửi cơ quan thuế với số tiền và các đơn vị đề nghị giảm 3,5 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Trường- Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, hiện Hà Nội đã có 700 đơn vị tổ chức nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo thống kê có khoảng 5.300 tổ chức và cá nhân đang thuê đất được giảm 30% tiền thuê đất với số tiền dự kiến giảm gần 1000 tỷ và đến nay 100% người nộp thuế đã nhận được thông tin qua email.

“Đây là chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Chính phủ nhằm góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp bước đầu trải qua những khó khăn để thực hiện phục hồi lại sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Tiến Trường nói.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm đã triển khai từ năm trước, ông Nguyễn Tiến Trường cho biết, việc thực hiện giải quyết hồ sơ giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước vẫn còn một số vướng mắc như: người thuê đất đã đổi tên nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký biến động sử dụng đất trên hồ sơ thuê đất, hết thời hạn thuê đất hàng năm, hợp đồng cho thuê đất nhưng chưa kịp làm thủ tục gia hạn thời gian thuê trước ngày Quyết định 01/2023/QĐ-TTg có hiệu lực...

Theo ông Nguyễn Tiến Trường, những vướng mắc này đã được báo cáo, xin ý kiến Tổng cục thuế để hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đúng quy định.

Bài 2: Không để tình trạng không biết thông tin