Giao dịch séc có rủi ro gì, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì khi thực hiện?
Vừa qua, một doanh nghiệp tại TP HCM đã phản ánh sự việc bị làm giả con dấu và chữ ký để rút séc 95 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng. Công ty cho biết mặc dù chỉ hoạt động tại TP HCM và chưa từng ký phát séc nhưng lại bị rút tiền từ một giao dịch séc thực hiện tại Hà Nội.
Vụ việc đã thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng trong những ngày vừa qua. Vậy giao dịch séc là gì và có những ưu nhược điểm như thế nào?
Theo Khoản 1 điều 3, Thông tư 22/2015/TT-NHNN, séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.
Hiểu đơn giản, séc là phương tiện thanh toán do người ký phát lập theo mẫu in sẵn, yêu cầu ngân hàng hoặc tổ chức thanh toán trả một số tiền nhất định cho người thụ hưởng có tên ghi trên tờ séc. Séc là một trong những phương thức thanh toán được doanh nghiệp, ngân hàng sử dụng rất phổ biến trong và ngoài nước.
Tùy vào đặc điểm và mục đích sử dụng, séc được phân thành nhiều loại như séc vô danh, séc đích danh, séc lệnh, séc gạch chéo, séc trơn, séc gạch chéo đặc biệt, séc bảo chi, séc tiền mặt … Trên séc có những thông tin quan trọng như yêu cầu trả cho (tên người nhận), số chứng minh thư, số tiền, người ký phát …
Để rút được tiền từ séc, khách hàng và doanh nghiệp cần lưu ý điền đúng thông tin quy định, đảm bảo thông tin chính xác, mang đầy đủ căn cước, chứng minh nhân dân khi rút séc. Đồng thời, người rút tiền có thể sẽ phải chịu chi phí, tùy thuộc quy định của ngân hàng.
Thanh toán séc có lợi gì?
Séc là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, giúp đảm bảo sự an toàn và minh bạch trong các giao dịch. Để rút được tiền, trên séc cần ghi rõ họ tên người thụ hưởng hoặc chuyển nhượng cho ai. Khi muốn rút tiền, khách hàng cũng cần mang căn cước hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân.
Do đó, trong trường hợp bị mất cắp, kẻ gian không thể sử dụng thông tin trên séc để rút tiền. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có quy định chặt chẽ về chữ ký và con dấu trên séc để đảm bảo an toàn trong thanh toán.
Séc cũng là hình thức để thanh toán minh bạch, rõ ràng. Hình thức thanh toán này cũng có sự linh hoạt về số tiền thanh toán mà không phải mang theo một lượng lớn tiền mặt hay chuyển khoản nhiều lần.
Đồng thời, séc cũng là loại hình thanh toán được chấp nhận rộng rãi tại tất cả các ngân hàng, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể áp dụng các khoản phí và chi phí liên quan đến việc xử lý và giải quyết séc. Ngoài ra, người nhận séc cần đảm bảo nhiều quy định và thủ tục, khiến thời gian nhận tiền lâu hơn so với các hình thức như chuyển khoản trực tiếp hay tiền mặt.
Rủi ro khi sử dụng séc
Bên cạnh một số ưu điểm, việc thanh toán qua séc cũng tiềm ẩn rủi ro cho cả người ký phát và người nhận.
Đối với người nhận séc sẽ chịu rủi ro khi người ký phát séc bị mất khả năng thanh toán, không có tiền trong tài khoản. Để tránh rủi ro này, nhiều người sẽ sử dụng loại séc bảo chi (được ngân hàng đảm bảo sẽ thanh toán). Ngoài ra, nếu thông tin trên séc bị sai lệch, không phù hợp, ngân hàng có thể từ chối thanh toán.
Đối với người ký phát cũng có khả năng gặp rủi ro khi bị kẻ xấu lợi dụng làm giả thông tin tài khoản, con dấu để rút tiền. Trường hợp doanh nghiệp tại TP HCM được phản ánh nói trên cũng có thể sẽ là một ví dụ. Mặc dù doanh nghiệp khẳng định không ký phát séc nhưng tài khoản vẫn bị mất tiền từ một tờ séc có đủ chữ ký và con dấu.
Theo tìm hiểu của người viết, tại một số ngân hàng khi bán séc cho khách hàng thông tin của bên ký phát (tên doanh nghiệp, số tài khoản) thường sẽ được in sẵn trên séc. Khi ký phát, doanh nghiệp chỉ cần đủ chữ ký kế toán trưởng (nếu có đăng ký kế toán trưởng), chữ ký và đóng dấu người ký phát là đại diện doanh nghiệp đã đăng ký với ngân hàng.
Do đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý vấn đề bảo mật thông tin của mình để tránh nguy cơ bị làm giả chữ ký và con dấu.
Phản hồi về vụ việc mất tiền qua séc, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết đã lập tức rà soát theo đúng các quy trình kiểm tra, kiểm soát rủi ro để có phương án xử lý thỏa đáng dành cho khách hàng.
"Hiện ACB đang làm việc với cơ quan giám định độc lập (bên thứ ba) và các cơ quan chức năng. Sau khi có kết quả, ACB sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng", thông tin từ ACB cho hay.
Ngân hàng cũng khẳng địnhhoàn toàn minh bạch quá trình xử lý sự việc với khách hàng, luôn đặt lợi ích hợp pháp của khách hàng lên hàng đầu trong mọi hoạt động của ngân hàng, đồng thời có quy trình quản trị rủi ro để bảo đảm các lợi ích của khách hàng và của ngân hàng được thực thi theo pháp luật.