Giữ đơn hàng dệt may: Doanh nghiệp không chỉ cần chờ qua suy thoái

Thùy Dung 08:12 | 20/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mối quan ngại đơn hàng trôi về tay các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh hay Ấn Độ, ngay cả khi suy thoái qua đi, đang đưa dệt may Việt Nam đứng trước bài toán tái định vị, cho mình một “gương mặt mới”.

Nhu cầu èo ọt, đơn hàng nhỏ giọt, dệt may bao giờ trở lại ‘thời mật ngọt’?

Tại quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu thế giới là Bangladesh, theo số liệu từ Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB), kim ngạch xuất khẩu hàng may sẵn tháng 4/2023 ghi nhận mức giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt khoảng 3,32 tỷ USD. Theo Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) Mohiuddin Rubel, đây là sự tiếp tục xu hướng suy giảm tổng thể của ngành những tháng gần đây trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, lạm phát và lãi suất cao ở các thị trường chính. Tình hình không sáng sủa hơn tại Ấn Độ - quốc gia mà ngành dệt may đóng góp khoảng 7% GDP trong 3 năm gần nhất và tạo ra khoảng 45 triệu việc làm, khi số liệu từ Liên đoàn Công nghiệp Dệt may Ấn Độ (CITI) cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng may sẵn giảm 23% xuống 1,21 tỷ USD trong tháng 4. Trước đó, trong quý I, dệt may Ấn Độ cũng chứng kiến mức giảm 11% so với cùng kỳ, đạt 4,35 tỷ USD. 

 

Tại Việt Nam, trong tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 3,06 tỷ USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính trong tháng đều giảm, với mức giảm lên tới 30% ở thị trường Mỹ (đạt 1,15 tỷ USD), 10% ở thị trường EU (đạt 349 triệu USD), 21% ở thị trường Hàn Quốc (đạt 237 triệu USD). Lũy kế 4 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước ước đạt 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023 diễn ra vào giữa tháng 5, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay hiện đa phần doanh nghiệp trong ngành cho rằng phải đến quý IV năm nay, thị trường mới có thể “ấm trở lại”, khác với dự báo trước đó rằng tình hình có thể khởi sắc từ khoảng hết quý II, đầu quý III. Bởi lẽ, bước vào quý II, lượng đơn hàng vẫn đang ghi nhận mức sụt giảm khoảng 25-30% so với cùng kỳ.

Trước những dự báo nhiều thách thức, đa phần doanh nghiệp dệt may lớn đều“cài số lùi” kế hoạch kinh doanh năm nay. Chẳng hạn, Vinatex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 ở mức 610 tỷ, giảm 50% so với năm 2022 dựa trên dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm nay có nguy cơ giảm 8%. Dệt may Thành Công (Mã: TCM) cũng đặt dự kiến lãi ròng năm nay ở mức 274 tỷ đồng, giảm 2%. Theo Chủ tịch HĐQT TCM Trần Như Tùng, 2023 dự báo là một năm tiếp tục khó khăn và đơn hàng kỳ vọng sẽ chỉ hồi phục từ nửa cuối năm khi lạm phát và lãi suất ở các thị trường lớn như Mỹ, EU hạ nhiệt, mùa lễ hội đến gần.

Tương tự, May Việt Tiến (Mã: VGG) đặt mục tiêu lãi trước thuế năm nay 200 tỷ đồng, giảm 9% so với mức thực hiện 2022. May Sông Hồng (Mã: MSH) cũng đưa ra mục tiêu lãi ròng 2023 khoảng 420 tỷ đồng, giảm 4,3%. Tại Dệt may Hòa Thọ (Mã: HTG), doanh nghiệp dự kiến lãi trước thuế 2023 khoảng 320 tỷ đồng, giảm 5%. HĐQT Gilimex (Mã: GIL) đặt kế hoạch lãi trước thuế 2023 khoảng 50 tỷ đồng; giảm 86% và là kế hoạch kinh doanh thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Chỉ CTCP Đầu tư và Thương mại TNG là doanh nghiệp dệt may hiếm hoi đặt kế hoạch kinh doanh lạc quan cho năm nay với mục tiêu lợi nhuận 337 tỷ đồng, tăng 16%.

Để giải quyết thách thức trước mắt, nhiều doanh nghiệp cũng đang chủ động đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Theo VITAS, một số thị trường tiềm năng đang được doanh nghiệp xem xét khai thác sâu hơn như các nước khu vực SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập), hay các thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc…

 

Qua suy thoái, mất đơn hàng vẫn là mối quan ngại

Ngay cả khi suy thoái qua đi, thách thức với dệt may Việt Nam vẫn là rất lớn với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế cũng như những hàng rào tiêu chuẩn chất lượng, môi trường. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã cảnh báo rằng các nhãn hàng đang ngày càng yêu cầu khắt khe như giảm giá sản xuất, đặt đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, cùng nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững, xanh hoá, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải…

“Những thay đổi này xuất phát từ chính yêu cầu của thị trường, khi hành vi mua hàng tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh mẽ từ thời trang nhanh sang thời trang phát triển bền vững… Để đạt được kế hoạch đề ra trong năm nay và cả những năm sau, doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, vào “luật chơi” của toàn cầu… Nếu không đầu tư cho công nghệ cao, có khả năng trong 3 năm nữa ngành dệt may Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với các đối thủ như Bangladesh và Ấn Độ”, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM, đồng thời là TGĐ Việt Thắng Jean cảnh báo.

Sự dịch chuyển nhanh chóng trên thị trường dệt may quốc tế đang cho thấy lời cảnh báo của ông Việt không phải nỗi lo xa.

Tại Bangladesh, chỉ sau khoảng một thập kỷ, vượt lên những tai tiếng về điều kiện an toàn lao động và vấn nạn lao động trẻ em, ngành dệt may nước này giờ đây đã có một “gương mặt mới”. Theo Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ, Bangladesh hiện là nơi có nhiều nhà máy may mặc thân thiện với môi trường nhất thế giới. Lượng vốn FDI rót vào ngành dệt may tại quốc gia này năm 2021 lên tới 3,5 tỷ USD, trong đó chủ yếu cho các dự án dệt may xanh. Các nhà sản xuất hàng dệt may Bangladesh kỳ vọng ngành dệt may nước này sẽ chiếm thị phần hơn 10% thị trường toàn cầu vào năm 2025, trong đó dệt may xanh là động lực.

Còn tại Ấn Độ, thị trường dệt may tái chế ước tính đã đạt quy mô gần 309 triệu USD vào năm 2022, theo một nghiên cứu của Tập đoàn IMARC. Trong nỗ lực xanh hóa và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD hàng dệt may vào năm 2030, Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên giải quyết các vấn đề môi trường trong ngành dệt may, gọi tắt là ESG trong tháng 4. Song song đó là hàng loạt chương trình xanh hóa như Đề án phát triển các Công viên Dệt may Tích hợp trị giá hơn 500 triệu USD đến 2028; Đề án Khuyến khích Liên kết Sản xuất cho dệt may với kinh phí được duyệt hơn 1,3 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất trang phục bằng sợi nhân tạo (MMF)...

Theo VITAS, phần lớn nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, không riêng gì Việt Nam, đang nhận được các yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn xanh từ các thương hiệu lớn. Nếu không sớm thích ứng để đáp ứng được các yêu cầu này, có nguy cơ đơn hàng dịch chuyển sang những quốc gia đang nhanh chóng đổi hướng sang dệt may bền vững như Bangladesh là rất lớn. Về phía mình, Việt Nam cũng đã cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050 tại COP26. Trong chính các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia cũng bao gồm những quy định khắt khe liên quan đến xanh hóa mà doanh nghiệp cần đáp ứng.

 

 Doanh nghiệp đứng ngoài cuộc là thua cuộc 

 

Yêu cầu bức thiết của dệt may là xanh hóa và số hóa, nhưng nguồn lực để chuyển đổi, nhất là nguồn lực tài chính, là thách thức lớn với doanh nghiệp trong ngành. Tính đến 31/3/2022, dư nợ cho vay với ngành dệt may đạt gần 150.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong khi đó, VITAS ước tính nhu cầu vốn để chuyển đổi xanh rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng. Theo NHNN, dư nợ cấp tín dụng với các dự án xanh của ngành dệt may tính đến cuối năm 2022 còn chưa đáng kể do doanh nghiệp ít đáp ứng được các yêu cầu khắt khe để vay tín dụng xanh.

Trong bối cảnh khó khăn, hiện nhiều đề xuất Chính phủ xem xét các chính sách giảm lãi suất, tiếp tục giãn hoãn nợ; hay có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, phát triển chuỗi giá trị hoàn thiện từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, xuất khẩu…tương tự như những gì Bangladesh hay Ấn Độ đang làm. Việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII ngày 15/5 vừa qua cũng là một động lực cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng chuyển dịch xanh hóa, nhưng theo chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang, doanh nghiệp vẫn đang chờ những cơ chế chuẩn hóa sau quyết định phê duyệt này.

Điều tất yếu là trong xu hướng chuyển đổi bền vững, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc hay ngồi chờ chính sách, mà phải chủ động thích ứng nếu muốn giữ đơn hàng. Chẳng hạn, tại May 10, doanh nghiệp cho biết đang tiến tới sử dụng các vật liệu tự nhiên, dễ phân hủy hơn, hay Tổng Công ty Phong Phú áp dụng phần mềm đo lường tác động môi trường tại các cơ sở sản xuất để đề xuất các phương án sử dụng nguyên vật liệu ít tác động đến môi trường, Vinatex triển khai phần mềm quản trị sợi giai đoạn 1 tại 6 đơn vị con; Việt Thắng Jean ứng dụng công nghệ nano, ozone trong nhuộm và điều chỉnh màu vải…

Nhìn chung, hành trình vượt “bão” và chuyển đổi xanh của doanh nghiệp dệt may giữa lúc thị trường khó khăn và dòng vốn chịu nhiều áp lực như hiện nay không thể tránh khỏi thách thức. Phát triển sản phẩm nào, tại thị trường nào với chiến lược nào là bài toán cần được tính toán kỹ lưỡng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng phù hợp với năng lực của doanh nghiệp trong dài hạn. Lợi thế cạnh tranh sẽ đạt được khi quy mô sản xuất đủ lớn, chuỗi cung ứng hoàn thiện và mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Sự vươn lên của Bangladesh chỉ trong thập kỷ qua có thể là “trái đắng” với dệt may Việt, nhưng cũng là tấm gương các doanh nghiệp để học hỏi trong quá trình xanh hóa dệt may.

(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2023)