Khoảng 60% nguyên phụ liệu dệt may đang phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc

H.Mĩ 20:02 | 03/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là chia sẻ từ Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas). Ông cho biết tỷ lệ nội địa hoá hàng dệt may của Việt Nam hiện nay khoảng 40%, khoảng 60% nguyên phụ liệu là nhập khẩu, trong đó 80% là nguyên liệu từ Trung Quốc.

Tỷ lệ nội địa hoá khoảng 40%

Dù là ngành xuất khẩu chủ lực, dệt may Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, với tỷ lệ lên tới khoảng 60%. Điều này khiến ngành đối mặt nhiều rủi ro trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động và các yêu cầu về xuất xứ ngày càng khắt khe.

Hiện nay, việc hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất trong nước đang là một trong những bài toán mà ngành dệt may cần phải phải quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết tỷ lệ nội địa hoá hàng dệt may của Việt Nam hiện nay khoảng 40%. Còn lại, khoảng 60% nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong số này, 80% Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.

Do đó, theo ông Tùng trước những biến động thương mại thời gian qua, những doanh nghiệp nào đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, vải trong nước không sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc có thể được hưởng lợi.

“Nếu doanh nghiệp mua vải bên Trung Quốc để xuất khẩu mà gặp khó khăn do những yêu cầu về xuất xứ, họ có thể quay trở về mua mua vải trong nước. Do đó, doanh nghiệp bán vải trong nước sẽ có lợi thế. Với May Thành Công, đây là một lợi thế bởi chúng tôi mua bông của Mỹ để sản xuất vải và không lệ thuộc vào Trung Quốc. Trừ khi khách hàng yêu cầu vải từ Trung Quốc thì chúng tôi buộc phải mua”, ông Tùng cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Vitas, việc nâng tỷ trọng nội địa hoá là yêu cầu chiến lược và là hướng đi dài hạn.

“Việc giảm tỷ trọng nhập khẩu thì phải có lộ trình cụ thể và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là bước đi cần thiết không chỉ vượt qua những biến động về thương mại mà còn đáp ứng yêu cầu xuất xứ trong các FTA”, ông Tùng nói.

Doanh nghiệp từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng tỷ trọng nội địa

Trao đổi với báo chí trong cuộc họp vào tháng 6, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết hiệp hội đang từng bước kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các mảng nguyên, phụ liệu dệt may mà Việt Nam đang phải nhập khẩu.

Trong tháng 6, hàng loạt nhà đầu tư về dệt, nhuộm đã có cuộc gặp với doanh nghiệp dệt may Việt Nam để nghe những mong muốn của ngành, từ đó đánh giá khả năng đầu tư của họ vào phần nguồn cung đang thiếu hụt.

“Ngành dệt may sẽ thúc đẩy khả năng chủ động nguyên vật liệu dệt may hơn. Điều này giúp Việt Nam tăng cường khả năng thích ứng được các điều khoản thuế quan của các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, việc này không thể đốt cháy giai đoạn mà phải có bước tiến từng năm một”, ông Giang cho biết.

Tại ĐHĐCĐ năm 2025 diễn ra hôm 16/6, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết việc dệt may đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2025 - 2030 không thể phát triển theo chiều ngang.

“Nếu tăng trưởng 10%/năm liên tục trong 5 năm tới thì đến năm 2030 ngành dệt may phải xuất khẩu 80 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường không còn dư địa để đạt 80 tỷ USD nếu phát triển theo chiều ngang”, ông Trường cho biết.

Theo ông ngành dệt may muốn đóng góp vào tăng trưởng GDP hai con số cần phải thông qua việc giảm tỷ lệ nhập khẩu  nguyên liệu, làm tăng giá trị gia tăng trong nước và tăng thu nhập người lao động.

"Dệt may sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP hai con số, nhưng không phải bằng con đường tăng trưởng doanh thu hai con số. Vì không thể làm như vậy được. Nếu tăng 10% để lên 80 tỷ thì bán cho ai?", ông Trường nói với cổ đông.

Theo ông doanh thu có thể chỉ tăng 5% nhưng vì lượng nhập khẩu nguyên liệu giảm 5% bên ngành dệt may vẫn có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP 10%. Ngoài ra, lương của người lao động tăng trưởng 8 đến 10% một năm thì ngành cũng đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP là hai con số.

Trên thực tế, lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may đang giảm đi. Theo số liệu từ VITAS, nhập khẩu bông, vải, nguyên phụ liệu dệt may trong tháng 5 giảm 6 - 12% so với cùng kỳ năm ngoái, tuỳ mặt hàng. Duy nhất xơ sợi các loại tăng 8%. Trong khi đó, xuất khẩu hàng dệt may đang có xu hướng tăng lên.

Cân đối xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam tháng 5 (Đơn vị: Triệu USD, Nguồn: VITAS)

Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào các dự án nguyên - phụ liệu trong nước. Điển hình như nhà máy Unitex của Sợi Thế Kỷ vừa qua đã tiến hành chạy thử nghiệm, đang gia công và dự kiến sẽ chính thức đi vào vận hành trong quý II.

Năm nay, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đưa ra mục tiêu tham vọng với chỉ tiêu doanh thu thuần 3.270 tỷ đồng, tăng 270% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, gấp 25 lần so với cùng kỳ trên nền so sánh thấp.

Đây có thể là các con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Động lực tăng trưởng sẽ đến từ kỳ vọng nhà máy Unitex đi vào hoạt động, công suất giai đoạn 1 khoảng 36.000 tấn/năm (tăng tổng công suất các nhà máy lên gấp rưỡi, đạt 99.000 tấn/năm).

Giai đoạn 2026-2028, Sợi Thế Kỷ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thông qua nhà máy Unitex và Liên minh sợi-dệt-may. Công ty cũng hướng tới việc tăng tỷ trọng sợi tái chế lên mức 60-70% trên các nhà máy hiện hữu.

Một số doanh nghiệp dệt may khác cũng đang đẩy mạnh việc hoàn thiện chuỗi. Năm ngoái, May Thành Công đã tiến hành sáp nhập nhà máy SY Vina với giá trị 468 tỷ đồng, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chứng khoán DSC nhận định việc sáp nhập nhà máy dệt nhuộm mới này sẽ giúp Thành Công gia tăng nguồn vải tự cung cũng như tăng cường năng lực trong khâu dệt nhuộm, từ đó hướng tới việc thực hiện các đơn hàng may mặc có giá trị cao hơn.