TP.HCM: Người dân tại "vùng đỏ" và "vùng cam" được xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR 2-3 ngày/lần

07:39 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, Phạm Đức Hải, cho biết: từ nay đến 15-9, người dân TP.HCM tại "vùng đỏ" và "vùng cam" được xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR (mẫu gộp theo hộ gia đình) 2-3 ngày/lần. Các vùng còn lại xét nghiệm tần suất lặp lại từ 5-7 ngày/lần.

Tăng cường xét nghiệm đến ngày 15-9

Tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải, cho biết UBND TP vừa có chỉ đạo khẩn về tăng cường công tác xét nghiệm trên địa bàn từ nay đến 15-9.

Theo đó, người dân tại "vùng đỏ" và "vùng cam" được xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR (mẫu gộp theo hộ gia đình) 2-3 ngày/lần.

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP.HCM

Người dân tại “vùng vàng”, “vùng xanh” và “vùng cận xanh” thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho “vùng xanh”, “vùng cận xanh” và gộp 5 cho “vùng vàng”. Trong đó nếu hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại từ 5-7 ngày/lần.

Về tiêu chí thực hiện, ông Phạm Đức Hải cho biết đến ngày 15-9, người dân ở “vùng đỏ”, “vùng cam” được xét nghiệm ít nhất 3 lần và người dân ở các vùng còn lại được xét nghiệm 1 lần hoặc mỗi hộ gia đình được xét nghiệm ít nhất 2 lần.

UBND TP.HCM yêu cầu chủ động tăng cường nguồn nhân lực tham gia lấy mẫu và khuyến khích người dân tự lấy mẫu (đối với test nhanh).

UBND TP.HCM giao Sở Y tế TP.HCM tiếp tục chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về hóa chất, sinh phẩm, vật tư liên quan để đảm bảo công tác xét nghiệm đạt tiến độ và mục tiêu.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) được giao tiếp tục phân công nhân sự trực tiếp giám sát tại địa bàn từng quận huyện và TP Thủ Đức về công tác xét nghiệm; thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến, số liệu, tiến độ thực hiện để báo cáo Sở Y tế và Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 TP để chỉ đạo, điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời.

UBND các quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các phường, xã, thị trấn và tổng hợp, báo cáo toàn bộ hoạt động xét nghiệm gửi về HCDC trước 16 giờ ngày 13-9 để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM.

Kiểm soát người ra đường từ dữ liệu dân cư

Công an TP.HCM đang đề nghị các sở ban ngành TP cập nhật dữ liệu về tiêm vắc xin phòng Covid-19, trường hợp được cấp giấy đi đường vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM tiếp tục kéo dài thời giãn cách xã hội phòng Covid-19, giấy đi đường sẽ tự động gia hạn, và kéo dài hiệu lực. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân được Công an TP cấp giấy đi đường sẽ không phải đổi lại để tránh phiền phức.

Người dân đưa màn hình điện thoại trước camera quét QR Code

Ngoài ra, ông Hà thông tin thêm, thời gian tới, khi các địa phương khống chế được dịch bệnh tương tự như Q.7, H.Củ Chi, TP sẽ có các phương án sản xuất kinh doanh để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế và đời sống của người dân. Công an TP đã tính toán giải pháp để khi thành phố đặt ra tiêu chí an toàn, ví dụ người đã được tiêm ngừa vắc xin; tiêu chí xét nghiệm; tuân thủ 5K trong hoạt động; và lưu thông có điều kiện...

Vì vậy, Công an TP.HCM cùng Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, và các quận, huyện, TP.Thủ Đức đang cập nhật dữ liệu về tiêm vắc xin, F0, trường hợp được cấp giấy đi đường... vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Khi thành phố đặt ra điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông thì công an sẽ quản lý được.

Công an cũng đang mở rộng điểm kiểm soát quét mã QR các diện lưu thông trên đường. Sau khi hoàn thành, có thể không cần giấy đi đường nhưng Công an TP vẫn có thể xác định mỗi người thuộc nhóm đối tượng nào, có được lưu thông hay không.

Công an TP đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp cập nhật nhanh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Công an TP.HCM để kiểm soát sau này. Ngoài ra, người dân nên tham gia chích ngừa vắc xin sớm nhất để có thể tham gia các hoạt động an toàn.

Từ ngày 15.8, TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15.9. Song song đó, từ 0 giờ ngày 23.8, TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP theo Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Chỉ thị 11 đề ra yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”; chính quyền địa phương và các đoàn thể sẽ “đi chợ hộ” và chăm lo an sinh xã hội cho người dân; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch đề ra.