Cửa biển cạn dần theo thời gian và nỗi niềm của những con tàu chờ bến đậu
Nỗi niềm ngư dân
Thanh Hóa hiện có 3 cảng cá lớn gồm Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) và Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc). Với bờ biển dài, số tàu thuyền trên 7 nghìn phương tiện đánh bắt, khai thác hải sản được coi là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, với hiện trạng cảng cá xuống cấp như hiện nay, việc khai thác hải sản của ngư dân Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một buổi chiều muộn tháng 9/2021, tôi đến cảng Lạch Hới, bắt gặp anh Nguyễn Duy Thắng, trú tại đường Yết Kiêu, phố Hải Thượng, phường Quảng Tiến, T.p Sầm Sơn cố hết sức mình, kéo sợi dây neo, cột cố định đôi tàu cá TH92347TS và TH92348TS, có công suất 450CV của mình vào mố cầu cảng. Trên khuôn mặt sạm nắng gió, mồ hôi chảy thành dòng bết xuống khuôn ngực vuông vức với cơ bắp căng lên như những sợi chảo màu nâu bóng. “Thời tiết có giông tố kéo ập đến lắm, nên phải neo tàu lại cho chắc chú à” anh nói với giọng quả quýt, đầy kinh nghiệm của một người đi biển lâu năm.
Nghề khơi gắn với người dân quê anh tự bao đời anh không thể nhớ, chỉ biết rằng, lên 14 tuổi anh đã theo cha và các bạn nghề mải miết, lênh đênh trên biển từ mùa trăng này đến mùa trăng khác. Biển đã mở lòng chở che, cưu mang, hào phóng ban tặng cá tôm cho người dân làng biển Quảng Tiến từ thế hệ này qua thế hệ khác. Anh Thắng bảo, nếu có ai đó đem so sánh tình yêu biển trong anh với tình yêu lứa đôi, chắc hẳn Thắng khó mà phân định rạch ròi cho được. “Vậy mà biển cửa Hới đang cạn dần theo thời gian. Vào những ngày nước ròng, tàu thuyền của ngư dân không còn có thể thoải mái vào ra như trước, đặc biệt là các tàu có công suất lớn đành mắc lại bến hoặc phải nằm lại km số 0, chờ thuyền nhỏ tăng bo, tiếp tế” Anh Thắng thở dài nói.
Cảng Lạch Hới được đầu tư duy tu, sửa chữa năm 2001, thời điểm đó đủ đáp ứng để những tàu đánh cá có công suất 300CV ra vào cảng. Tuy nhiên, sau 20 năm vận hành, cảng Lạch Hới đã bị bồi lắng. Nhiều tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa hoặc cải hoán hoặc đóng mới, đa phần có công suất từ 400 - 800CV. Vì vậy, việc ra vào cảng đã khó khăn nay càng khó hơn. Cảng Lạch Hới hiện chỉ là nơi ra vào của các tàu trong tỉnh, không thu hút được tàu ngoại tỉnh đem hải sản vào bờ buôn bán.
“Biển có nghề, quê có ruộng”, làm nghề biển bây giờ nhiều cái khó. Cái khó của ngư dân nơi dân Quảng Tiến cũng nổi cồn như những doi cát ngầm, ngày một tích tụ ngoài cửa Hới. Nếu trước kia đi biển chỉ lo sao trời yên, sóng lặng, tôm cá nhanh đầy khoang thì nay người đi biển như anh còn phải đối mặt với muôn vàn nỗi lo khác như, xăng dầu, các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá vùn vụt. Mỗi chuyến đi biển hiện tại, sau khi trừ mọi chi phí may mắn lắm thì chủ tàu có lời chút đỉnh, còn lại phần đa đều hòa cho đến lỗ tiền dầu.
Cảng cửa Hới hiện có trên 600 tàu cá, trong số đó có phân nửa là tàu công suất từ 800 – 1.000 CV được đóng theo Nghị định 67 hoạt động. Từ khoảng 2 năm trở lại đây, hầu hết tàu cá ở đây sau khi đi khai thác về đều phải dừng lại tại km số 0 (cách bờ 6 hải lý) để chờ tàu nhỏ ra vận chuyển hải sản vào bờ vì luồng lạch bị bồi lắng, tàu lớn không thể cập cảng.
Theo những chủ tàu cho biết, để cá, tôm đến được tay thương lái, chủ tàu phải tốn thêm từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng cho các chuyến tăng bo hàng từ tàu lớn sang tàu nhỏ và ngược lại là chi phí cho vận chuyển xăng dầu, nhu yếu phẩm từ bờ ra tàu lớn trước mỗi chuyến ra khơi.
Ông Viên Đình Sỹ, một chủ tàu cá cho sẻ: “Tàu của gia đình tôi được đóng theo Nghị định 67, có công suất thiết kế 822CV. Việc cảng cá bị bồi lắng khiến việc ra vào cảng rất bất tiện. Muốn tàu cập bến hoặc rời bến, ông thường phải chờ thời điểm thủy triều lên. Vì thế, có những hôm thời tiết xấu nhưng thủy triều lên, ông và các thuyền viên cũng đành liều mình ra khơi để không lỡ con nước”.
Ngoài những khó khăn gây ra cho các tàu vào ra bến cảng, tình trạng bồi lắng tại cảng Hới còn gây ra những hệ lụy khôn lường đối với các tàu cá khi đến mùa mưa bão.
Khi bão đến các tàu phải vào âu tránh trú gấp. Tuy nhiên, muốn nhanh cũng chẳng được, bởi phải đợi rất nhiều giờ để chờ thủy triều lên mới có thể di chuyển tàu. Thậm chí, có tàu do vội vã đã bị mắc cạn, làm cản trở những tàu khác trên đường vào tránh trú. Đến thời điểm hiện tại tình trạng bồi lắng diễn ra rất nghiêm trọng, có khu vực khi triều kiệt, mức nước chỉ còn - 0,8 m, chỉ đáp ứng cho tàu công suất nhỏ dưới 50 CV. Đặc biệt, khu vực phía cửa âu đất nổi thành bãi.
Việc cần giải quyết cấp thiết nhất của ngư dân Quảng Tiến hiện nay là một dự án nạo vét tầm cỡ được triển khai tại cửa Hới. Chỉ khi luồng lạch được khơi thông, nghề biển ở đây mới không bị mai một, ngư dân mới có thể yên tâm bám biển, vươn khơi.
Chờ dự án để “thay da, đổi thịt”
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 8 cảng cá lớn nhỏ; 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đã được đầu tư, đang hoạt động. Hiện nay, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu đã có nhiều hạng mục xuống cấp như cầu cảng, hạ tầng kỹ thuật phụ trợ, luồng lạch vào cảng, khu neo đậu bị bồi lắng. Vì vậy, các cảng cá, khu neo đậu không còn đáp ứng được nhu cầu neo đậu, bốc dỡ hải sản, gây khó khăn cho tàu cá ra vào cảng. Các cảng cá hiện cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Tại khu vực cảng Cá Hòa Lộc mới xây dựng từ năm 2007, đáp ứng được những tàu có công suất 400CV ra vào cảng. Tuy nhiên, do chưa một lần được cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng, đến nay cảng đã xuống cấp nghiêm trọng. Âu thuyền được thiết kế, xây dựng đủ để 264 tàu vào tránh trú bão nhưng những cơn bão lớn, âu thuyền phải đón trên 500 tàu thuyền vào tránh trú. Cũng như cảng Lạch Hới, hiện nay cảng cá Hòa Lộc đã bị bồi lắng, chỉ những thời điểm thủy triều lên thì tàu thuyền mới có thể ra vào cảng.
“Nếu muốn cảng cá thu hút được nhiều tàu thuyền ra vào buôn bán hải sản, phát triển hậu cần nghề cá, ngoài việc nâng cấp, cải tạo, nạo vét thì cảng cần được đầu tư thêm máy cẩu, băng chuyền để thuận tiện trong vận chuyển cá từ tàu thuyền lên cầu cảng, đơn vị đã và đang kêu gọi đầu tư. Đề nghị các cấp, các ngành chức năng cần có phương án đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch từ cửa Lạch Trường vào cảng. Đầu tư hệ thống cấp điện, nước, khu nhà quản lý của âu tránh trú bão, kè hai bên mái âu, đổ bê tông đường vào và trên mặt đê của âu, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão an toàn, hiệu quả” đại diện Ban quản lý Cảng cá Hòa Lộc cho biết.
Được biết, để khắc phục những hạn chế của hệ thống cảng cá, âu tránh trú bão, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất, đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn vốn đầu tư khắc phục các hạn chế trên, là trên 600 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Trường (huyện Hậu Lộc) và nâng cấp, mở rộng cảng cá Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp cảng cá Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) thuộc dự án thành phần dự án “Phát triển bền vững vốn vay WB” do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng. Dự án nâng cấp và mở rộng cảng cá Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) hiện đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng...
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, để phần nào đáp ứng nhu cầu ra vào cảng, vào âu neo đậu tránh trú bão, Thanh Hóa cần đầu tư trên 600 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng cá, âu tránh trú bão. Trong đó, riêng cảng Lạch Hới và Lạch Bạng cần đầu tư 600 tỷ đồng. Đây là những điều kiện cần và đủ để giúp Thanh Hóa hiện đại hơn nghề khai thác, chế biến hải sản, nâng cao giá trị nguồn hải sản khai thác, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển.