GlobalGAP - `chứng chỉ` để nông sản Việt rộng đường xuất khẩu
Sản phẩm nông nghiệp muốn vươn ra thế giới cần có chứng nhận tiêu chuẩn thực thành nông nghiệp tốt GlobalGAP. Đây được coi như là "chiếc vé thông hành" để nông sản Việt Nam rộng đường xuất khẩu.
Trong Hội nghị Giao lưu trực tuyến với tổ chức tiêu chuẩn GlobalGAP, đại diện các Hợp tác xã (HTX) và các chuyên gia đã "mổ xẻ" về câu chuyện GlobalGAP tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Ba, đại diện HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) chia sẻ, HTX của ông rất quyết tâm với việc đạt được những chứng nhận tiêu chuẩn cấp cao như GlobalGAP. Bởi, ở xã An Phú Thuận có đến 800 hecta nhãn, toàn huyện Châu Thành có 5.000 hecta, giống nhãn đang trồng ở địa phương có giá trị thương phẩm rất tốt. Cây nhãn cũng đã đáp ứng được những tiêu chuẩn an toàn cơ bản.
Tuy nhiên, do thị trường và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm nên ông mong muốn nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn cho cây nhãn. HTX cũng rất thiết tha đạt được chứng nhận GlobalGAP để thuận tiện cho việc giao thương cho cây nhãn Châu Thành, Đồng Tháp.
Ông Nguyễn Văn Bảy, đại diện HTX bưởi da xanh Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết, HTX của ông đã có Chứng nhận an toàn thực phẩm Ocop và Chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Quả bưởi Giồng Trôm chủ yếu bán ở trong nước. Vì vậy, ông cũng mong muốn được tham gia GlobalGAP để xuất khẩu.
"Tôi chưa hiểu rõ việc tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP chênh nhau như thế nào. Người nông dân cần thay đổi những gì để đạt được chứng nhận GlobalGAP để hội nhập, đưa trái bưởi xuất khẩu sang thị trường châu Âu", ông Bảy nói.
Ông Ben Horsbrugh, đại diện GlobalGAP cho biết, chứng nhận GlobalGAP cũng có các quy định về quản lý đất, sử dụng phân bón như VietGAP. Tiêu chuẩn GlobalGAP cũng có các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, khi đơn vị sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận của GlobalGAP thì sẽ được cấp 13 ký tự GGN (nhãn toàn cầu cho sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận có trách nhiệm và minh bạch).
Khi có GGN thì chủ trang trại muốn làm thương mại sản phẩm của mình rất dễ dàng vì các ký tự đã thể hiện được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Đây cũng như là "chứng minh thư" của sản phẩm.
"Chúng tôi sẽ đánh giá, đối chiếu các tiêu chuẩn của VietGap và GlobalGap để xem hai tiêu chuẩn này khác nhau điều gì. Nếu trang trại đã đạt chứng nhận VietGap thì cần bổ sung những tiêu chuẩn gì để đạt được chứng nhận GlobalGAP và ngược lại", đại diện GlobalGAP nói.
Bà Nguyễn Kim Thanh, Chuyên gia tiêu chuẩn - Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, khi các HTX muốn đạt chứng nhận GlobalGAP thì cũng gặp một số khó khăn. Điển hình như việc, HTX của Việt Nam thường là một tổ chức xã hội phục vụ cho mục tiêu chính trị của địa phương và không phải là một tổ chức kinh tế thực thụ, tự tổ chức, tự vận hành.
"HTX của Việt Nam chủ yếu là do nông dân bầu lên, không có ngân sách để thuê người có chuyên môn để tính toán lập ra quỹ kinh doanh. Chính vì mô hình HTX này mà các HTX không huy động được tiền từ xã viên. Các xã viên cũng thường có tâm lý "dè chừng" khi có dự án mới. Xã viên muốn thấy HTX làm thành công rồi họ mới đóng góp tiền vào. Xã viên không coi HTX là nơi hỗ trợ họ phát triển và cũng không nghĩ HTX là sở hữu của họ. Đây chính là trở ngại khá lớn", bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, khi làm các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thì năng lực của ban quản lý HTX là rất quan trọng. Cần có những người quản lý có năng lực để giúp HTX kinh doanh tốt, vay ngân hàng và tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn.
Cũng theo bà Thanh, các xã viên cũng thường "giấu" những bí kíp làm nông nghiệp của mình. Kinh nghiệm bón phân, tưới nước… thường được giữ riêng cho một cá nhân nào đó. Tuy nhiên, khi làm tiêu chuẩn chất lượng thì những kinh nghiệm này cần được chia sẻ nhiều hơn.
Ngoài ra, khi sử dụng các vật tư nông nghiệp thì nông dân cũng cần giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh việc sử dụng của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nông dân thường mua vật tư nông nghiệp xong đến cuối mùa thu hoạch mới trả tiền, không có hóa đơn, chứng từ nào. Điều này gây khó khăn cho việc chứng minh, đưa ra các bằng chứng sử dụng vật tư nông nghiệp.
"Khi HTX có chứng nhận GlobalGAP thì nông dân phải bán hàng thông qua HTX mới được gọi là sản phẩm GlobalGAP. Nhiều HTX ký đơn hàng với đối tác xong rồi thì nông dân lại bán sản phẩm ra ngoài vì lái buôn chơi thân với họ và mua giá cao hơn. Những chuyện như thế này là không được. Người dân phải có thói quen bán hàng qua HTX.", bà Thanh chia sẻ.
Theo bà Thanh, nông dân muốn phát triển kinh tế, bán sản phẩm giá cao thì cần tạo ra chuỗi giá trị. Tiêu chuẩn chỉ là việc đầu tiên phải thực hiện.
Ngoài quy trình trồng nhãn, xoài, bưởi… đã hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn thì người dân cần phải tạo ra năng suất trái tốt, hiệu quả về chi phí. Muốn làm được điều này, nông dân cần phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, nhà khoa học hay phòng nông nghiệp địa phương để chuẩn hóa quy trình trồng cây.
Theo Dân Trí