Greeny Bee: Startup hướng tới loại bỏ đồ nhựa dùng một lần
Đây là một trong những Starup giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khởi nghiệp như: TOP 10 Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” năm 2019, Giải Nhất cuộc thi Võ đài khởi nghiệp (Get in The Ring Ho Chi Minh City) năm 2019 và được chọn tham gia cuộc thi toàn cầu vào năm 2020.
Nhân dịp đầu năm, Doanh nhân Việt đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Quốc Trung – CEO Greeny Bee Group để hiểu thêm về Startup cũng như hướng đi của Greeny Bee trong tương lai.
Chào anh, được biết Greeny Bee là ý tưởng kinh doanh bảo vệ môi trường. Tại sao anh lại có hứng thú khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đồ tái chế thân thiện với môi trường mà không phải là một lĩnh vực khác?
CEO Trần Quốc Trung: Trước đây, khi đi du học, tôi luôn nung nấu ý định quay về Việt Nam để “làm một thứ gì đó đóng góp cho nước nhà”. Khi về Việt Nam, tôi làm cho một công ty đa quốc gia hàng đầu trong ngành giày với vai trò Project Manager. Trong đó có một dự án tái sử dụng lưới đánh cá để làm nguyên vật liệu cho giày. Khi ấy tôi đọc thêm nhiều tài liệu và có một sự thật rất đau lòng rằng Việt Nam là một trong Top 5 nước thải ra rác nhựa nhiều nhất. Điều này thôi thúc tôi tìm ra một giải pháp để thay đổi điều này. Tôi nhận ra rằng Việt Nam là nước nông nghiệp thì chắc chắn sẽ có nhiều phế phẩm nông nghiệp bị coi như “rác thải” phải đốt. Tại sao lại không tận dụng nguồn “rác thải” này để loại bỏ một nguồn rác thải khác. Từ đó, tôi quyết định nghỉ việc để theo đuổi dự án này.
Tại sao lại là bã mía mà không phải một nguyên liệu khác?
CEO Trần Quốc Trung: Việt Nam là một trong 15 nước đứng đầu về sản lượng mía (theo FPT Securities). Bã mía hiện được dùng chủ yếu để đốt làm nhiên liệu hoặc làm điện (nhưng nhà nước chưa có chính sách, chủ trương mua lại) nên còn nhiều và chưa tạo ra giá trị kinh tế.
Về chất, bã mía có giá thành rẻ và có khả năng chống chịu nước và dầu rất tốt.
Ngoài ra, sử dụng bã mía chỉ là một sự khởi đầu. Greeny Bee có kế hoạch dài hạn để nghiên cứu và sử dụng tất cả các phụ phế phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam vào các ứng dụng bao bì hoặc sản phẩm khác nhau có tính kinh tế cao.
Tên Greeny Bee có ý nghĩa đặc biệt gì?
CEO Trần Quốc Trung: Có một câu nói nổi tiếng là “We do not inherit the earth from our ancestors; we borrow it from our children” (Chúng ta không thừa hưởng Trái Đất từ tổ tiên mà chúng ta mượn nó từ thế hệ sau).
Greeny Bee lấy hình tượng chú ong cần cù, chăm chỉ làm việc. Chúng ta là thế hệ đầu tiên nhận ra ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác hại của rác thải nhựa và chúng ta cũng có thể là thế hệ cuối cùng có thể thay đổi được điều đó. Chính vì vậy, tôi lấy hình tượng loài ong làm việc không mệt mỏi, cùng hướng đến mục tiêu chung là tạo ra một môi trường xanh sạch đẹp hơn cho thế hệ sau.
Được biết, Greeny Bee là công ty tiên phong trong nền kinh tế xoay vòng (Circular Economy Startup), anh có thể chia sẻ rõ hơn về định nghĩa kinh tế xoay vòng mà anh đang hướng tới?
CEO Trần Quốc Trung: Trước khi nhắc đến nền kinh tế xoay vòng (circular economy), tôi muốn đề cập về một khái niệm khác là kinh tế tuyến tính (linear economy). Chúng ta đang theo nền kinh tế tuyến tính, tức là các sản phẩm sau khi sử dụng hết vòng đời sẽ được thải ra theo hình thức chôn lấp, đốt hoặc đẩy ra biển. Với tốc độ tiêu thụ hiện nay thì chúng ta đang thải ra lượng rác với tốc độ ngày càng cao.
Trong khi đó, với kinh tế xoay vòng, các sản phẩm sau khi sử dụng hết vòng đời sẽ được chuyển hóa thành nguyên liệu cho các sản phẩm khác. Ví dụ như phế phẩm nông nghiệp được tận dụng làm bao bì đựng thức ăn. Sau khi được sử dụng làm thức ăn xong sẽ được xử lý làm phân bón cho cây. Đây chính là hướng đi sắp tới không chỉ của ngành bao bì mà còn ngành thời trang nhanh (đi đầu là các ông lớn như H&M, Zara). Trên lý thuyết, khi được tận dụng đến mức tối đa, chúng ta sẽ không còn rác thải ra mà không được sử dụng nữa.
Giữa ý tưởng và thực tế triển khai Greeny Bee có khoảng cách nào không?
CEO Trần Quốc Trung: Với mỗi Startup, điều họ có nhiều nhất là ý tưởng và thiếu nhất là vốn và kinh nghiệm. Chúng tôi hiện đang tích lũy cả 2 điều này từ việc cạnh tranh và học hỏi các doanh nghiệp khác. Là một doanh nghiệp sản xuất trẻ, Greeny Bee luôn phải chú trọng việc cân bằng giữa đầu ra trong kỳ vọng và đầu ra thực cũng như cân bằng giữa R&D (viết tắt của Research & Development - nghiên cứu và phát triển) để tạo sự khác biệt hoặc tập trung vào sản xuất để lấy lợi nhuận.
Anh đánh giá thế nào về tương quan của các anh với các đối thủ? Cơ sở nào để anh tự tin trong cuộc đua với các đối thủ?
CEO Trần Quốc Trung: Chúng tôi mạnh hơn ở chỗ là doanh nghiệp đầu tiên thực sự sản xuất sản phẩm này nên có thể đưa ra giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, chúng tôi đang nắm một lượng khách hàng lớn trong và ngoài nước để đảm bảo đầu ra sắp tới.
Tuy nhiên, là một doanh nghiệp mới, chúng tôi còn thiếu nhiều nhân sự và vốn để phát triển thêm các mảng R&D cũng như mở rộng quy mô. Đây là điều các doanh nghiệp đều gặp nên chúng tôi cũng đã tiên liệu trước và có kế hoạch xử lý.
Vậy đâu là khó khăn lớn nhất trong quá trình vận hành Greeny Bee?
CEO Trần Quốc Trung: Hầu hết các startup đều gặp khó khăn trong 3 điểm: Vốn (Capital), Con người (Talent) và Vận hành (Operation). Greeny Bee vẫn gặp khó trong vấn đề tìm thêm nhân sự và gọi thêm vốn. Để giải quyết 2 vấn đề này, chúng tôi tập trung tối ưu hóa mảng Vận hành để có một quy trình sản xuất quy củ và có thể được kiểm tra chéo và truy xuất thông tin từ máy tính.
Hiện nay thì phía vận hành đã tương đối trơn tru, chúng tôi lại dồn sức đi tìm thêm nhân sự và gặp thêm các nhà đầu tư thích hợp để gọi thêm vốn.
Anh có thể chia sẻ về định hướng phát triển của Greeny trong thời gian tới?
CEO Trần Quốc Trung: Về ngắn hạn, chúng tôi vẫn tập trung sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường.
Về dài hạn, chúng tôi tập trung làm R&D để trả lời 2 câu hỏi lớn: “Rác thải/phế phẩm gì là tối ưu để thay thế nhựa?” và “Với các rác thải/phế phẩm được chọn, chúng ta còn có thể tạo ra sản phẩm nào khác?”
Chúng tôi hướng đến việc trở thành một doanh nghiệp sáng tạo trong tương lai chứ không đơn thuần chỉ là người mang công nghệ từ bên khác về để làm theo.
Nhiều người cho rằng các doanh nghiệp startup tại Việt Nam chỉ chờ phát triển đủ lớn để bán, anh có nghĩ Greeny Bee là một trường hợp như vậy?
CEO Trần Quốc Trung: Có một thực tế là cứ 100 doanh nghiệp startup thì 90 doanh nghiệp sẽ chết ngay trong 2 năm đầu. 10 doanh nghiệp còn lại thì sẽ chỉ có 2 hướng: 1 là M&A (Kết hợp hoặc bị mua lại) hoặc IPO (Lên sàn chứng khoán).
Greeny Bee có một tôn chỉ hoạt động rõ ràng về vấn đề hoạt động vì môi trường. Chúng tôi hiện vẫn đang tập trung vào sống sót trong những năm đầu của tôi và chưa có ý định bán tôi cho ai cả.
Về dài hạn, dù đi theo hướng nào thì chúng tôi cũng mong muốn tạo ra giá trị xã hội lớn nhất cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Được biết anh mong muốn gọi vốn cho dự án của mình. Tuy nhiên, gọi vốn của quỹ đầu tư cũng khiến nhà sáng lập đứng trước nguy cơ mất kiểm soát doanh nghiệp. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
CEO Trần Quốc Trung: Greeny Bee tồn tại với 1 mục đích duy nhất là tạo ra giá trị xã hội trong việc loại trừ rác thải. Khi chọn nhà đầu tư, duy trì mục đích trên mới là ưu tiên hàng đầu chứ không phải là số vốn gọi nhiều hay ít. Chúng tôi luôn đảm bảo rằng “bầy ong” Greeny Bee sẽ vẫn đi đúng hướng vì chỉ có những nhà đầu tư có tâm, có tầm và cùng định hướng với Greeny Bee sẽ cùng đồng hành trong tương lai.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh và Greeny Bee sớm đạt được kết quả như mong đợi.