Hà Nam khởi công tổ hợp dự án Khu đô thị 35.000 tỷ đồng
Ngày 30/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ ngành đã tham dự sự kiện, công bố và trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, sau đó thực hiện nghi thức khởi công giai đoạn I Tổ hợp dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang (TP Phủ Lý). Dự án do Tập đoàn Sun Group đầu tư.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định Hà Nam đã chú trọng mô hình phát triển đô thị dựa trên kết nối vùng, tận dụng hạ tầng giao thông đã có để kết nối theo nguyên tắc: giao thông đi đến đâu, kinh tế phát triển theo đến đó. Khơi dậy tiềm năng phát triển, Hà Nam - cửa ngõ của Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách dựa trên văn hóa, di sản, thiên nhiên và phát triển kinh tế xanh, nơi đáng sống và đáng đến.
Hà Nam có vị trí địa kinh tế độc đáo, đặc biệt quan trọng, với các tuyến giao thông đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy huyết mạch trên trục Bắc-Nam, kết nối liên vùng và là một trong những đô thị vệ tinh, "cửa ngõ" kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Tổ hợp dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang (TP Phủ Lý) sẽ giúp cho TP Phủ Lý phát triển xứng tầm cửa ngõ Thủ đô. Các tiện ích chính của dự án gồm: Công viên chủ đề 20 ha, Công viên cảnh quan công cộng 60 ha; Trục đại lộ rộng 150 m, dài 1,5 km dẫn tới quảng trường bắn pháo hoa kết hợp các hoạt động giải trí ứng dụng công nghệ hiện đại; 4.500 căn nhà phố thương mại bám các trục đường lớn, 1.200 căn biệt thự song lập và đơn lập; 40 tòa nhà cao 9 tầng với khoảng 15.000 căn hộ cùng các tiện ích hạ tầng xã hội như: Trường học, nhà văn hóa, bệnh viện…
Tâm điểm dự án là 2 công viên hiện đại. Trong đó, Công viên chủ đề rộng 20 ha tọa lạc tại xã Tiên Hiệp (TP Phủ Lý), định hướng trở thành công viên sinh thái đầu tiên tại Hà Nam, dự kiến đón 10.000 lượt khách/ngày đến tham quan, trải nghiệm... Nhiều hạng mục vui chơi giải trí quy mô sẽ được xây dựng như: Các trò chơi hấp dẫn, khu vui chơi giải trí ngoài trời cùng hệ thống công trình dịch vụ thương mại, phụ trợ phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, nghỉ chân của khách du lịch.
Sự hiện diện lần đầu tiên của một công viên sinh thái ngay trung tâm mới của TP Phủ Lý sẽ giúp giải bài toán về không gian vui chơi, giải trí đang rất thiếu hụt của người dân Hà Nam, nhằm đón đầu lượng khách du lịch lớn đổ về “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” - danh hiệu ấn tượng mà Hà Nam đã được World Travel Awards vinh danh trong năm 2023.
Trong khi đó, công viên cảnh quan rộng 60 ha được phát triển dựa trên thế mạnh và vẻ đẹp của hệ thống ao hồ tự nhiên, cảnh quan mặt nước, tạo ra không gian sống, nghỉ dưỡng lý tưởng cho cư dân đô thị. Dự kiến đây sẽ là điểm đến của các lễ hội, sự kiện.
Hà Nam hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Cuối tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã qua đã ký quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt 758.000 tỷ đồng; phấn đấu kinh tế số chiếm 25 - 30% GRDP...
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nam phát triển công nghiệp - công nghệ cao - đô thị - dịch vụ du lịch thương mại.
Giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam phát triển đô thị - công nghiệp - công nghệ cao - dịch vụ du lịch thương mại.
Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô… Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát triển công nghệ cao, trọng tâm là hoàn thành và thu hút đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.
Mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.