Hà Nội công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4

Đông Bắc 09:15 | 01/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 30/11, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức Hội nghị công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà, tỷ lệ 1/500 đi qua địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh.

 

Theo Quyết định số 3645/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà, tỷ lệ 1/500 được Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực công bố tại hội nghị, tuyến đường có chiều dài khoảng 9,6 km, điểm đầu giao với quốc lộ 32, điểm cuối giao với đê tả Hồng.

Hướng tuyến được xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng các huyện Đan Phượng, Mê Linh và Quy hoạch các phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng được duyệt; thống nhất với hướng tuyến đường theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Về cấp hạng, đây là đường cao tốc với thành phần cao tốc ở giữa và đường gom (đường đô thị) song hành hai bên. Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 120 m bao gồm: Thành phần đường cao tốc 6 làn xe, đường gom song hành (đường đô thị) hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho tuyến đường sắt quốc gia vành đai.

 

 Tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ QL 32 đến hết cầu Hồng Hà. Ảnh Viện QHXDHN.

Thành phần mặt cắt ngang đường, cầu qua sông Hồng cụ thể sẽ được xác định chính xác theo dự án đầu tư xây dựng tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo định hướng quy hoạch, dọc theo đoạn tuyến đường Vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà bố trí 3 nút giao khác mức (bao gồm 1 nút giao liên thông với quốc lộ 32 và 2 nút giao trực thông với trục Tây Thăng Long và đê Hữu Hồng), hình thức nút và phạm vi xây dựng nút giao hoàn chỉnh sẽ được xác định chính xác theo quy hoạch chi tiết hoặc dự án đầu tư riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Phạm vi xây dựng tuyến đường Vành đai 4 trong khu vực nút giao sẽ được xác định theo dự án đầu tư xây dựng tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các đường ngang khác giao cắt với đường Vành đai 4, chỉ tổ chức đấu nối vào đường gom song hành. Cụ thể sẽ được nghiên cứu bổ sung, xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc dự án đầu tư tuyến đường ngang được cấp thẩm quyền phê duyệt.

 

 Chỉ giới đường đỏ được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế cụ thể được xác định chi tiết trên bản vẽ.

UBND thành phố giao UBND các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng hai bên tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ tuyến đường được duyệt.

Việc cắm mốc giới tuyến đường sẽ được thực hiện đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thuộc dự án thành phần 1.1. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

 

Đẩy nhanh tiến độ GPMB để thực hiện đường Vành đai 4

Trước đó, ngày 25/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã đi khảo sát thực địa và làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về tình hình thực hiện dự án.

Phát biểu tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần quyết tâm cao của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Đặc biệt nhờ sự ủng hộ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương, kết quả công việc đạt được tương đối toàn diện. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB được triển khai tích cực, nhanh chóng và đến nay, cơ bản đã thống kê đầy đủ, xác định địa điểm nhà tái định cư, địa điểm di chuyển mồ mả...

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ đặt ra phía trước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác GPMB, tái định cư; tiến độ đòi hỏi cũng rất cao, trước hết là việc di dời mồ mả theo phong tục văn hóa cổ truyền thường phải trước ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) trong khi nguồn vốn Trung ương dành cho GPMB chưa được cấp, cần thiết phải thực hiện cơ chế tạm ứng.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí với ý kiến của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên giao cho các cơ quan chuyên môn 3 địa phương tổng hợp báo cáo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Trong quá trình đó, 3 tỉnh thành tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cách làm của nhau để tháo gỡ; vận dụng giải pháp tạm ứng ngân sách bảo đảm đúng quy định pháp luật, giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, 3 địa phương tăng cường phối hợp thường xuyên, cộng đồng trách nhiệm, bám sát chặt chẽ hơn nữa từng phần việc, thúc đẩy tiến độ các dự án thành phần. Lường trước những vấn đề khó, nhạy cảm, còn vướng mắc để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa. Kịp thời kiến nghị với Trung ương tháo gỡ và vận động, tuyên truyền, tạo niềm tin để Nhân dân đồng hành, ủng hộ.