Hà Nội sẽ giải quyết các thủ tục liên quan đến đường Vành đai 4 tối đa 2 ngày?

Đông Bắc 08:29 | 27/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trong thời gian 24-48 giờ.

 

UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô  là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Dự án đặt mục tiêu khởi công trong quý II/2023, hoàn thành vào năm 2026. Quá trình chuẩn bị đầu tư yêu cầu khối lượng công việc lớn trong đó bao gồm: công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, di chuyển các công trình hạ tầng và di chuyển mồ mả.

Song song với đó là công tác lập quy hoạch, chỉ giới, cắm mốc, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư và triển khai thực hiện các gói thầu phải được tiến hành khẩn trương.

 

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các  các sở, ban, ngành thành phố giải quyết thủ tục, giấy tờ liên quan đến dự án đường Vành đai 4 một cách nhanh nhất. Ảnh HNM. 

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện chỉ đạo xử lý, giải quyết khẩn trương, kịp thời các hồ sơ, văn bản, công việc liên đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Trong thời gian 24 giờ đến 48 giờ phải giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan đến dự án để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Về tiến độ triển khai, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư dự án) đang thực hiện công tác cắm mốc giới sau khi nhận được chỉ giới đỏ để phục vụ công tác đền bù, GPMB. Hiện công tác đã đạt 60% khối lượng công việc (2.000/3.000 mốc chỉ giới đã được cắm), dự kiến sẽ hoàn thành trước 15/11/2022.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư đang phối hợp cùng đơn vị Tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần của tuyến  đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô. Đơn vị tư vấn đang tập trung nhân lực để khảo sát trên hiện trường và theo tiến độ dự kiến, công tác khảo sát sẽ kết thúc trong tháng 11/2022 và trình nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trong cuối năm 2022.

Mới đây UBND TP Hà Nội cũng đã có Quyết định ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi dưỡng, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn trên địa bàn thành phố, qua Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Theo đó, bên cạnh các mức bồi thường, hỗ trợ theo quy định thì một số trường hợp sẽ được hưởng thêm các cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ khác.

Cụ thể, đối với trường hợp đất lưu không, đất do UBND xã, phường, HTX quản lý (có nguồn gốc là đất nông nghiệp) được các hộ dân xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định, căn cứ mục đích sử dụng đất tại thời điểm thu hồi để xem xét hỗ trợ khác bằng 30% hoặc 20% (tuỳ thời gian chuyển đổi) đơn giá đất ở hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí (mục đích sử dụng) theo quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND TP Hà Nội đối với diện tích thực tế có công trình.

Đối với đất nông nghiệp vườn, ao liền kề thửa đất ở không được công nhận là đất ở thì hỗ trợ khác bằng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Tổng diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.

 Sơ đồ đường Vành đại 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh KTĐT.

Đối với đất nông nghiệp, hỗ trợ khác bằng mức chênh lệch chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm giữa thửa đất nông nghiệp có đặc điểm tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện xã hội với thửa đất nông nghiệp liền kề.

Cũng theo quyết định, Hà Nội chấp thuận hỗ trợ khác đối với công trình xây dựng là nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt thiết yếu, gồm: bếp, giếng, nhà vệ sinh, nhà tắm, sân, cổng, đường vào nhà, rãnh, chuồng trại chăn nuôi và tường rào bao quanh xây dựng trên diện tích đất không được công nhận là đất ở.

Tổng mức hỗ trợ gồm: mức hỗ trợ theo Điều 14 Quyết định số 10/2017/QĐ-UND ngày 29/3/2017 và mức hỗ trợ khác (cho từng công trình). Việc áp dụng chính sách hỗ trợ khác đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, số khẩu, số hộ thực tiễn tại thửa đất bị thu hồi.

Đối với phần diện tích đất sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo chính sách tại Văn bản số 5457/UBND-ĐT ngày 30/10/2017 của UBND thành phố. UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đối với diện tích này.

UBND các quận, huyện cũng có trách nhiệm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đối với phần diện tích không đủ điều kiện xây nhà ở. Phần diện tích của các thửa đất có chiều sâu dưới 3 m này cũng được vào ranh giới thu hồi đất, được đưa chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng mức đầu tư dự án.

Để đảm bảo chính sách tái định cư trên toàn tuyến, Hà Nội chấp thuận tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại khu vực quận Hà Đông có đủ điều kiện được bồi thường mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn phường nơi có đất thu hồi, phải di chuyển chỗ ở được tái định cư bằng đất tại khu tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Bên cạnh đó, với trường hợp phải di chuyển mộ, để động viên người sử dụng đất di chuyển mộ sớm, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ dự án, ngoài được bồi thường, hỗ trợ theo quy định thì được hỗ trợ khác với mức hai triệu đồng/ngôi mộ.

 

Với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km (gồm 103km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long).

Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km), Bắc Ninh (dài 25,6km) và tuyến nối (dài 9,7km).