Hà Tĩnh: Liên tiếp các Dự án đầu tư được chấp thuận, chuyển đổi

14:00 | 16/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chỉ trong tháng 8 và tháng 9 liên tiếp các Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận, chuyển đổi. Từ Dự án Khu dân cư đô thị xứ Đồng Biền, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc - Dự án quy hoạch khu công nghiệp nặng làm nhà máy ô tô ở Vũng Áng đến Dự án Trang trại phong điện HBRE.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện trạng rừng chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh là rừng tự nhiên nghèo, đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ, chủ yếu cây bụi và cây gỗ tái sinh nhỏ, không có giá trị về kinh tế.

Hà Tĩnh đề xuất Thủ tướng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án điện gió HBRE

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Ngọc Sơn ngày 9/9/2021 vừa ký công văn số 5942/UBND-NL4 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.

Chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh (ảnh internet)

Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020, có công suất thiết kế 120MW, gồm 25 turbine gió. Chủ đầu tư là Công ty CP điện phong HBRE Hà Tĩnh. Đây là dự án điện gió duy nhất tại Hà Tĩnh được bổ sung vào Quy hoạch điện VII.

Theo công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án có diện tích nghiên cứu, khảo sát 845 ha tại khu vực dãy Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; trong đó diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng là 19,05ha, là rừng tự nhiện nghèo, thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ, chủ yếu cây bụi và cây gỗ tái sinh nhỏ, không có giá trị về kinh tế, mật độ cây binh quân khoảng 217 cây/ha, trữ lượng 10,2m3/ha, tổ thành loài là các loại cây gồm: Ba bét, Dung, Trâm, Bời lời, Bai bái…

UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá việc triển khai dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đây cũng là dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, với tác động tích cực đối với nền kinh tế địa phương. Tổng thu ngân sách từ thuế VAT và thuế TNDN của dự án là 2.639 tỷ đồng, chưa kể các nguồn thu khác.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.

Vinhomes tài trợ lập quy hoạch khu công nghiệp nặng làm nhà máy ô tô ở Vũng Áng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải có công văn số 5666/UBND-KT1 ngày 27/8/2021 đồng ý giao BQL khu kinh tế tỉnh tổ chức lập quy hoạch phân khu Khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5 – Khu kinh tế Vũng Áng, tỷ lệ 1/2000, với kinh phí huy động từ nguồn vốn xã hội hoá của Công ty CP Vinhomes, theo đề xuất của doanh nghiệp này.

Chủ tịch UBND tỉnh giao BQL Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch đủ năng lực, kinh nghiệm và thực hiện lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật…

Một góc Khu Kinh tế Vũng Áng (ảnh Thanh Hảii)

Vinhomes cam kết đảm bảo 100% các kinh phí trong quá trình lập quy hoạch, cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ phía Ban quan lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Vinhomes cũng cam kết không yêu cầu bồi hoàn kinh phí kể cả khi không được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Được biết, tháng 4/2021, Vinhomes đã có văn bản đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh khảo sát xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô bao gồm nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, chuỗi nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ cho công nghiệp ô tô và thiết bị nghe nhìn công nghệ cao.

Cùng với đó, doanh nghiệp này sẽ xây dựng cảng biển tổng hợp và khu logistics để phục vụ nhu cầu vận tải biển cho nhà máy, xây dựng khu du lịch khách sạn...

Dự án có quy mô 2.000ha tại khu kinh tế Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh. Trong đó, diện tích đất liền là 1.500ha, diện tích mặt nước biển là 500ha.

Dự kiến giai đoạn 1 sẽ xây dựng trong 2 năm kể từ khi có giấy phép xây dựng, giai đoạn 2 sẽ xây dựng sau khi giai đoạn 1 vận hành từ 3-5 năm.

Hai “cá mập” đầu tư cạnh tranh dự án khu dân cư 230 tỷ đồng tại Hà Tĩnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu dân cư đô thị xứ Đồng Biền, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Dự án thu hút 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ là đăng ký tham gia dự án là Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng và Công ty CP Bất động sản Hano Vid.

Tổng mức đầu tư dự án là 230,018 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến là 30,972 tỷ đồng. Dự án được đầu tư trên tổng diện tích 136.638 m2. Quy mô đầu tư là xây dựng thô có hoàn thiện mặt ngoài của 63 căn nhà liền kề và 12 căn biệt thự dọc tuyến đường Phan Kính, Xuân Diệu và tuyến đường quy hoạch 24 m.

Thị trấn Nghèn nhìn từ trên cao

Đối với đất ở liền kề, mật độ xây dựng từ 60% đến 80%; hệ số sử dụng đất tối đa 0,5 - 2,1 lần; tầng cao 1 - 4 tầng. Đất ở dạng biệt thự có mật độ xây dựng 50 - 70%; hệ số sử dụng đất tối đa 0,5 - 2,1 lần; tầng cao 1-3 tầng. Đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng có mật độ xây dựng 18 - 22%; hệ số sử dụng đất tối đa 0,2 - 0,5 lần; tầng cao 1 - 2 tầng.

Đối với phần diện tích đất ở còn lại sẽ xin phép cấp có thẩm quyền cho phép chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch được duyệt.

Hiện trạng khu đất chưa được giải phóng mặt bằng, khu vực quy hoạch chủ yếu là đất nông nghiệp và một phần là đất đường giao thông, đất nhà văn hóa xóm và đất ở. Thời gian triển khai dự án là 24 tháng kể từ ngày hợp đồng thực hiện có hiệu lực.

Về phần các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, Hano-VID là thành viên của Tập đoàn TNR Holdings, trong khi Bất động sản Lan Hưng là cái tên mới nổi đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư, khi trúng nhiều dự án nhà ở từ Bắc vào Nam thời gian qua với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Xem thêm: Dự án hơn 19 triệu USD ở Quảng Trị sẽ khởi công khi nào?