Quảng Trị: Nguyên nhân khiến Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn khó hoàn thành đúng tiến độ
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố có liên quan về tình hình triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Lê Tiến Thọ báo cáo tình hình tiến độ triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công bao gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Giầu Dây, Cầu Mỹ Thuận 2; 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần được bắt đầu triển khai thực hiện từ giữa năm 2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành, bàn giao 642,4/652,86 km (đạt 98,4%) với tổng diện tích đã thu hồi là trên 4.900 ha, số hộ đã nhận tiền đề bù là 28.673/29.183 hộ bị ảnh hưởng. Về tình hình thi công, hiện đã khởi công 10/11 dự án thành phần, giá trị khối lượng hoàn thành khoảng 25,09% tổng giá trị các hợp đồng đã triển khai thi công.
Tại Quảng Trị, dự án thành phần đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa phận tỉnh Quảng Trị có chiều dài 37,3km. Công tác giải phóng mặt bằng của Dự án do tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện từ cuối năm 2018 và đến tháng 5/2020 đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công để triển khai thi công (là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của Dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020). Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn đạt 61% giá trị khối lượng lượng xây lắp, hiện đang thi công nền đường, móng cấp phối đá dăm và các công trình trên tuyến. Tuy nhiên, dự án có khả năng không hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 12/2021 như kế hoạch do ảnh hưởng của bão lũ, dịch bệnh…
Tại hội nghị, đại diện các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn, các địa phương đã báo cáo tiến độ triển khai các dự án, trong đó tập trung làm rõ một số khó khăn đó là còn lại khoảng 10,5 km chưa bàn giao mặt bằng; một số hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông) chậm trễ trong công tác di dời; thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đất, đá phục vụ thi công nền đường còn một số vướng mắc; giá các vật liệu xây dựng có nhiều biến động; ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến việc huy động nhân lực, vật tư, thiết bị gặp khó khăn; tại một số dự án việc huy động tín dụng còn vướng mắc.
Tại hội nghị, nhiều cơ quan, đơn vị đã đề nghị Chính phủ xem xét cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh công suất khai thác mỏ đắp nền đường theo nhu cầu của dự án thành phần; ưu tiên tiêm phòng vắc xin COVID-19 đối với các lao động liên quan đến Dự án; kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn về việc bù giá vật liệu..
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm Quốc gia, được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa giải quyết công ăn việc làm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vì vậy không thể để dự án chậm tiến độ.
Thực tế hiện nay đang xuất hiện một số nguy cơ như thiếu vật tư phục vụ công trình; dịch bệnh COVID-19, một số địa phương phải thực hiện giãn cách làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công… Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến vật liệu thi công cho các nhà thầu, tạo điều kiện tối đa để tăng công suất hoạt động của các mỏ nhưng phải đảm bảo về môi trường, về con người, về an toàn lao động.
Bộ Y tế cũng như các địa phương có kế hoạch phân bổ vaccine COVID-19 để tiêm cho lực lượng lao động ở các công trường. Các đơn vị thi công cần xây dựng quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo giãn cách, thực hiện xét nghiệm hàng tuần đối với công nhân lao động; có giải pháp thi công 3 ca/ngày khi đủ thiết bị, con người, vật tư để rút ngắn tiến độ.
Bộ Giao thông Vận tải tổ chức giao ban thường xuyên với các Ban Quản lý dự án, các công trường, các địa phương để kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Xem thêm: Quảng Trị: Mở rộng cảng Cửa Việt và lập Dự án đầu tư Công viên Cọ Dầu