Hải Phòng: Huy động khoảng 3.000 tỷ đồng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân tại ngân hàng SCB
Trước tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền gửi trước kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trên địa bàn TP Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình hoạt động của Ngân hàng này tại địa phương vào chiều 10/10.
Theo đó, ông Tùng đề nghị và kêu gọi nhân dân bình tĩnh, không tập trung rút tiền cùng một thời điểm, không tập trung đông người tại các điểm giao dịch của SCB trên địa bàn thành phố. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp cần thiết, nhất là bảo đảm cung ứng đủ lượng tiền mặt để 2 chi nhánh và 6 địa điểm giao dịch của SCB hoạt động bình thường, bảo đảm khả năng thanh toán.
Tại cuộc họp, ông Đào Quang Trường, Phó giám đốc Công an thành phố Hải Phòng khẳng định, Công an thành phố và chính quyền các quận, phường sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự tại các chi nhánh của SCB.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các đơn vị SCB trên địa bàn cần tập trung nguồn tiền và nhân lực để giải quyết và đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình gây rối hoặc các nhân viên ngân hàng khác lợi dụng đến các địa điểm của SCB để chèo kéo người có tiền gửi tại đây chuyển sang gửi ở các ngân hàng khác... Chi nhánh SCB Hải Phòng và Hồng Bàng tiếp nhận, tổng hợp nhu cầu rút tiền của người dân; kịp thời báo cáo SCB Hội sở chính bố trí thêm nguồn tiền để đảm bảo chỉ trả nhu cầu rút tiền của khách hàng; tập trung nhân lực làm thêm ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Để kịp thời phục vụ nhu cầu rút tiền của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng và SCB Hải Phòng đã kịp thời huy động nguồn tiền khoảng 3.000 tỷ đồng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu rút tiền của nhân dân, trong khi tổng hợp nhu cầu của nhân dân rút tiền khoảng 2.600 tỷ đồng.
Về phía SCB, ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Hải Phòng thông tin, ngay khi lan truyền thông tin về SCB, từ chiều 7/10 và sáng thứ bảy (8/10), nhiều người dân kéo đến các địa điểm giao dịch của SCB tại Hải Phòng để rút tiền tài khoản, rút tiền tiết kiệm và để nghe ngóng tình hình... Các yêu cầu này của người dân được đáp ứng, nhưng do lượng người đến đông, dẫn đến hoạt động của các nhân viên ngân hàng quá tải, nhiều người dân phải đăng ký và đã được tiếp tục đáp ứng vào ngày 10/10.
Theo kế hoạch, Hội sở Ngân hàng SCB vẫn đang tiếp tục cung ứng đủ lượng tiền cho các Chi nhánh Hải Phòng để thanh toán cho người dân theo đăng ký. Tuy nhiên, Ngân hàng SCB Chi nhánh Hải Phòng cũng khuyến cáo người dân nên đăng ký thanh toán tại địa điểm trực tiếp giao dịch gửi tiền để tránh ùn ứ và không nên tập trung đông tại cùng 1 địa điểm...
Nhà nước luôn bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng. Người dân cần cảnh giác trước tâm lý “đám đông” mà ồ ạt rút tiền, nhất là rút tiền tiết kiệm trước hạn sẽ thiệt hại đến tiền lãi của chính mình. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ lượng tiền cần thiết theo đề nghị của SCB để thanh toán cho người gửi.
Tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng được bảo đảm trong mọi trường hợp
Ngày 10/10,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời báo chí các vấn đề liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trước dư luận gần đây liên quan đến hoạt động của Ngân hàng SCB, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ một số thông điệp xung quanh vấn đề này.
Người đứng đầu NHNN cho biết, trước một số thông tin lan truyền ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cần thiết để Ngân hàng SCB hoạt động bình thường, bảo đảm khả năng thanh khoản.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có Ngân hàng SCB đều được Nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp. Những khách hàng gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn, để bảo đảm quyền lợi của mình.
Lãnh đạo NHNN cho hay, với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như là vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, khi mà xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, NHNN luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, trong đó có Ngân hàng SCB.