Hạn mức tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể lên 14,3%

Trang Mai 10:58 | 11/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, VNDirect cho biết ngân hàng Nhà nước vừa chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 cho 4 ngân hàng là: VPB, HDB, MBB và VCB. Đáng nói, các chuyên gia đã nâng mức dự báo của VPB từ 11,5% lên 14,3%.

Cả 4 ngân hàng được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022 đều là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo ước tính của SSI Research, trong đợt điều chỉnh tháng 9, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường. Do đó, dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.

Theo bảng ước tính tăng trưởng tín dụng 2022 của 18 ngân hàng thương mại cổ phần được VNDirect đưa ra, VPB có mức điều chỉnh cao nhất với ước tính 14,3%. Trong đó, hạn mức tín dụng đầu năm VPB được cấp là 15%, ước tính lần 2 điều chỉnh vào tháng 9 là 0,7%. Như vậy, cả năm 2022 VPB được phép tăng trưởng lên 30%. Con số này cao hơn dự báo của VNDirect là 23%. 

 Ước tính tăng trưởng tín dụng 2022 của 18 ngân hàng thương mại cổ phần. (Nguồn:VNDirect)

HDB được ước tính điều chỉnh thêm 5,1%, cộng thêm hạn mức tín dụng đầu năm 15% và lần điều chỉnh trước 3,4% đưa tổng hạn mức tăng trưởng cả năm lên 23,5%, cao hơn 3,5% so với dự báo trước đó của VNDirect. 

MBB được dự báo nới “room” lần 3 thêm 5%, thêm lần điều chỉnh trước 3,2% đã đưa tổng hạn mức tăng trưởng cả năm từ 15% lên 23,2%.

Cuối cùng là VCB với mức điều chỉnh thấp nhất 0,9%. Trong tháng trước, “ông lớn” này đã được NHNN phân bổ thêm 2,7% hạn mức tăng trưởng tín dụng. Như vậy, VNDirect dự báo cả năm VCB sẽ tăng trưởng 18,6%, cao hơn ước tính 18% trước đó. 

Theo tính toán từ các chuyên gia, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Theo đó, sau đợt điều chỉnh, tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm này sẽ đạt khoảng 13,6% vào cuối năm. 

“Sau đợt điều chỉnh, tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm này sẽ đạt khoảng 13,6% vào cuối năm. Đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các NHTM và mục tiêu 14% của NHNN vẫn được duy trì.” - VNDirect nêu rõ. 

VNDirect ước tính room tín dụng năm 2022 của các ngân hàng

Sau 4 ngân hàng được điều chỉnh hạn mức lần 3, ABB xếp ngay sau với 15,2%, tiếp theo là OCB 13,1%, ACB và VIB 13%, TPB 12,7%, TCB 11,7%, EIB 11,2%, STB và LPB 11%, BID và CTG 10,7%, Agribank 10,5%, SHB và MSB xếp cuối với 10,2%. 

Hoạt động kinh doanh 9T/2022 của 4 ngân hàng vừa được ước tính điều chỉnh hạn mức tín dụng lần 3

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã: VPB)

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2022, VPB ghi nhận tổng thu nhập đạt gần 31,6 nghìn tỷ đồng, tăng vọt 37% so với 23 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Do đó, mặc dù chi phí hoạt động tăng hơn 20% lên 6,5 nghìn tỷ đồng và ngân hàng tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 12,3% lên 9,7 nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng 70%. Sau thuế, ngân hàng báo lãi 12,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thu nhập từ lãi (hoạt động cho vay) của ngân hàng đã tăng gần 11%, mang về hơn 20,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 64% tổng thu nhập.

Đáng chú ý, tổng chi tiêu thẻ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 22% so với cùng kỳ, hậu thuẫn bởi loạt sản phẩm thẻ tín dụng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch. VPBank vừa qua đã được tổ chức VISA vinh danh với giải thưởng thuộc 2 lĩnh vực dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh số và tỷ lệ thẻ hoạt động.

Tính đến 31/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng tăng 11% so với đầu năm lên 608.275 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng nhẹ 10% lên 379.718 tỷ đồng. Trong số 509.751 tỷ đồng tổng nợ, tiền gửi của khách hàng chiếm 57,9%, tức 295.419 tỷ đồng, tăng 22% từ đầu năm. 

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (mã: HDB)

Lũy kế 6 tháng đầu năm tổng thu nhập hoạt động đạt 10.704 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nhập thuần từ lãi tăng 25,8%, thu nhập ngoài lãi tăng 32,6%. Đặc biệt mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ với thu nhập thuần gấp hai lần cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế của HDB là 4.240 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ 2021. 

Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 245 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cuối năm ngoái. Khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các chuỗi cung ứng và phân phối, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương, các chương trình tín dụng xanh được HDB ưu tiên cấp tín dụng.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng là 384.267 tỷ đồng, tăng 2,6%. Trong đó cho vay khách hàng là 234.688 tỷ đồng và trích lập dự phòng rủi ro 2.946 tỷ đồng. Nợ phải trả của ngân hàng là 348.899,7 tỷ đồng. 

Tại Đại hội đồng cổ đông, HDB đã chấp thuận thông qua việc phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỉ lệ phân phối 25%. Khi hoàn tất, vốn điều lệ của HDB sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng. 

Ngân hàng TMCP Quân Đội (mã: MBB)

Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 17.355 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.127 tỷ đồng, tăng 1,5%; Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 938 tỷ đồng, tăng 68%; chứng khoán kinh doanh lợi nhuận 134 tỷ đồng, tăng 6,8 lần.

Tính tới cuối tháng 6/2022, MB đã đang cho vay hơn 18.500 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 4,46% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với tỷ lệ 3,47% cuối năm ngoái.

Tổng thu nhập hoạt động 6 tháng của ngân hàng là 22.855 tỷ đồng, tăng 26,1%. Tuy vậy, trích lập dự phòng rủi ro giảm 17,45 về 3.500 tỷ đồng đã giúp ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của MB đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, giới phân tích dự báo, đây sẽ là cơ sở để MB được nới room tăng trưởng năm nay.

Phát biểu trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Đại tá Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB nhân mạnh: “Đặc biệt đối với ngân hàng, số lượng tài khoản mới và app MBBank mới là 3,5 triệu khách hàng, và dự kiến năm nay sẽ đạt 7-8 triệu khách hàng mới. Đáng chú ý với MB Bank là chi phí dự phòng rủi ro đã thay đổi đáng kể, ở mức khoảng 10%/doanh thu thuần trước rủi ro; tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng là 380%, nghĩa là cứ “một đồng nợ xấu thì có 3,8 đồng dự phòng”.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB)

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng là 32.705 tỷ đồng, tăng 14,4% so với nửa đầu năm 2021. Chi phí hoạt động tăng 17,3% lên 10.324 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 9% xuống 5.007 tỷ đồng. 

Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2022 của VCB đạt 17.373 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. 

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VCB đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng tới 14,6% so với đầu năm lên 1,1 triệu tỷ đồng. 

 
 

 

 Tiền gửi khách hàng các ngân hàng ở Việt Nam trong quý II/2022. (Nguồn: Vietstock)