Hai thước đo đáng tin cậy báo hiệu chứng khoán Mỹ khó thăng hoa trong năm 2025
Có thể nói 2024 là một năm thành công nữa của Phố Wall khi thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận thành tích vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Kết thúc năm, ba chỉ số chính gồm S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt tăng 23,3%, 12,9% và 28,6%.
Thị trường chứng kiến nhiều chất xúc tác giúp giá cổ phiếu thăng hoa như cơn sốt trí tuệ nhân tạo, các đợt chia tách cổ phiếu, chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 11, lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn dự kiến,...
Tuy nhiên, Phố Wall là một tập thể hướng tới tương lai. Vì vậy, khi thị trường bước qua năm mới 2025, các nhà đầu tư lại đặt ra câu hỏi muôn thuở: “Liệu cổ phiếu có tăng cao hơn trong năm nay hay không?”
Mặc dù các đợt tăng giá của thị trường giá lên (bull market) có xu hướng kéo dài lâu hơn các đợt lao dốc, hai thước đo có khả năng dự đoán tương đối chính xác đang phát đi tín hiệu cảnh báo.
Hệ số CAPE
Trong số các chỉ báo có thể báo trước những rắc rối tiềm tàng của thị trường chứng khoán Mỹ, The Motley Fool cho rằng không có công cụ nào đáng lo ngại hơn hệ số P/E đã điều chỉnh cho chu kỳ của nền kinh tế (tức hệ số CAPE).
Công cụ định giá cơ bản nhất là hệ số P/E. Thước đo này hoạt động tốt đối với các doanh nghiệp đã được thử thách qua thời gian nhưng có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những cú sốc kinh tế và cổ phiếu tăng trưởng.
Trong khi đó, hệ số CAPE được tính bằng cách sử dùng EPS thực tế trong 10 năm gần nhất, qua đó loại bỏ được những biến động của chu kỳ kinh tế.
Tại ngày 26/12/2024, hệ số CAPE của chỉ số S&P 500 đạt 38,08 - gần mức cao nhất trong một năm là gần 39. Con số này cao hơn gấp đôi mức trung bình trong 154 năm qua là 17,19 và là mức cao thứ ba trong một thị trường giá lên liên tục kể từ tháng 1/1871.
Điểm thú vị là chỉ có 6 lần hệ số CAPE vượt quá mốc 30 trong một đợt tăng giá của thị trường giá lên trong 154 năm qua. Cả 5 lần trước đó đều chứng kiến Dow Jones, S&P 500 và/hoặc Nasdaq Composite mất từ 20% đến 89% giá trị.
Mặc dù hệ số CAPE không cho nhà đầu tư biết thời điểm thị trường sẽ lao dốc, nó lại có thành tích vượt trội trong việc dự báo các đợt giảm sâu. Nói cách khác, kết quả hiện nay cho thấy các nhà đầu tư không thể chấp mức định giá cổ phiếu quá cao trong thời gian dài.
Cung tiền của Mỹ
Hệ số CAPE không phải là thước đo duy nhất có thành tích tốt trong dự báo các đợt lao dốc của thị trường chứng khoán. Một diễn biến chưa từng xảy ra trong 90 năm qua đối với cung tiền của Mỹ cũng là một cảnh báo đáng ngại.
Các nhà phân tích có nhiều đại lượng khác nhau về cung tiền, nhưng hai thước đo đáng tin cậy nhất là M1 và M2. Và cung tiền M2 (bao gồm M1 cùng các tài khoản tiết kiệm, tài khoản thị trường tiền tệ và chứng chỉ tiền gửi dưới 100.000 USD) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Vào tháng 4/2022, cung tiền M2 đạt đỉnh 21.723 tỷ USD. Tính đến tháng 10/2024, cung tiền M2 đã sụt khoảng 412 tỷ USD xuống còn 21.311 tỷ USD, tương đương mức giảm 1,89%.
Tuy nhiên, trên cơ sở từ đỉnh xuống đáy, cung tiền M2 đã giảm đến 4,74% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2023. Đây là lần đầu tiên kể từ Đại Khủng hoảng cung tiền M2 giảm ít nhất 2% mỗi năm.
Cung tiền M2 thường tăng lên theo thời gian, đến mức các nhà kinh tế hiếm khi chú ý đến thước đo này. Một nền kinh tế đang tiếp tục phát triển cần nhiều vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh nên 90 năm qua hiếm khi cung tiền M2 giảm đáng kể.
Kể từ đầu năm 1870, Mỹ đã ghi nhận 5 trường hợp M2 giảm ít nhất 2% so với năm trước gồm 1878, 1893, 1921, 1931 - 1933 và 2023. Bốn lần trước đó có mối tương quan với các giai đoạn suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp hai chữ số.
Cung tiền M2 đã đảo ngược hướng đi và tăng trở lại kể từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, việc M2 giảm gần 2% so với mức cao nhất mọi thời đại báo hiệu rằng người tiêu dùng có khả năng sẽ giảm mua sắm tuỳ ý. Đây là một yếu tố có thể khiến nền kinh tế suy yếu và tác động đến Phố Wall trong năm 2025.
“Đừng bao giờ đặt cược chống lại nước Mỹ”
Dựa trên hai thước đo trên, thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ sụp đổ trong năm 2025, dù đây hẳn không phải là điều mà các nhà đầu tư muốn nghe sau một năm thăng hoa.
Song, có một điều thú vị là lịch sử có xu hướng ủng hộ những người lạc quan thay vì những người bi quan. Lịch sử cho thấy suy thoái là một phần bình thường và không thể tránh khỏi của chu kỳ kinh tế. Không chính sách tài khoá hay tiền tệ nào có thể ngăn chặn được suy thoái.
Tuy nhiên, giữa thời gian suy thoái và thời gian tăng trưởng lại có một sự khác biệt lớn. Trong 12 cuộc suy thoái kể từ khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, 9 cuộc suy thoái kết thúc trong chưa đầy một năm.
Trong ba cuộc suy thoái còn lại, không cuộc suy thoái nào kéo dài quá 18 tháng. Để so sánh, trong khoảng một chục giai đoạn kinh tế tăng trưởng tích cực gần đây nhất thì hai giai đoạn kéo dài hơn 10 năm.
Bản thân tỷ phú Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công nhất lịch sử nước Mỹ, cũng khuyến nghị mọi người không nên bi quan về nền kinh tế số một thế giới.
Trong bức thư thường niên gửi cổ đông tập đoàn Berkshire Hathaway năm 2021, Buffett viết: “Trong 232 năm tồn tại ngắn ngủi của nước Mỹ, chưa có vườn ươm nào có thể giải phóng tiềm năng con người như đất nước chúng ta”.
“Mặc dù có một số gián đoạn nghiêm trọng, thành tựu kinh tế của đất nước chúng ta vẫn rất ngoạn mục. Cho nên, đây là kết luận không thể nào lay chuyển của chúng tôi: Đừng bao giờ đặt cược chống lại nước Mỹ”, ông nhấn mạnh.