Hạn chót nộp tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, doanh nghiệp vẫn im lặng

Đông Bắc - Thùy Dung 17:01 | 05/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 6/4 là sẽ hết thời hạn 90 ngày để các công ty trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đến thời điểm này, 2 doanh nghiệp còn lại là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp 7.820 tỷ đồng cho TP.HCM.

Thời hạn nộp tiền trúng đấu giá đất đến "phút 89", doanh nghiệp vẫn im lặng

Theo Báo Thanh Niên, tính đến sáng 5/4, thông tin từ Cục thuế TP.HCM cho biết hai doanh nghiệp còn lại trúng thầu 2 lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đó là Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ.

Cục thuế TP. HCM cho biết tính đến cuối tháng 2, tiền phạt chậm nộp của 2 công ty trúng thầu đất khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) tạm tính hơn 11 tỷ đồng mỗi đơn vị.

Quá thời hạn 90 ngày, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế đối với 2 doanh nghiệp này như quy định như cưỡng chế tài khoản, bên thứ ba, ngưng hóa đơn, ngưng xuất cảnh, đề nghị UBND hủy hợp đồng đấu giá, thu hồi quyết định trúng thầu…

Thế nhưng phía cơ quan thuế cũng cho hay do hợp đồng ký giữa công ty và UBND TP.HCM có thời hạn lên 180 ngày nên cơ quan thuế chờ sau thời điểm này, doanh nghiệp có thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền vào ngân sách hay không và khi đó sẽ có các quyết định chi tiết.

Trước đó, ngày 21/3, Cục Thuế TP.HCM đã có buổi làm việc với Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega liên quan đến việc chậm nộp tiền 2 lô đất trúng đấu giá trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tại buổi làm việc này, đại diện Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega hứa với Cục Thuế TP.HCM sẽ cố gắng nộp số tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, 2 doanh nghiệp này đang huy động vốn để nộp gần 8.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất trúng đấu giá.

Ngày 6/1, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành 8 thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021.

Theo quy chế, trong hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo trên, các doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất (đợt 1). Trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo trên, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại (đợt 2).

Sau đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3-12 (diện tích 10.059,7m2) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc. Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1m2) phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ cũng xin không tiếp tục thực hiện dự án.

Còn lại, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.

Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào đóng tiền cho TP.HCM.

Theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, hiện nay Cục Thuế đang chịu áp lực về việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất. Ngoài 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin bỏ cọc, còn lại 2 lô đất với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng thì Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc.

Chuyên gia "hiến kế" hạn chế tình trạng bỏ cọc trong đấu giá đất

Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết đã lường trước khả năng tất cả doanh nghiệp bỏ cọc đất Thủ Thiêm khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua liên tục có động thái kiểm tra, rà soát nguồn tín dụng tham gia các cuộc đấu thầu.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cũng nhận định rằng rất có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp đấu giá đất ở Thủ Thiêm bỏ cọc hết do giá đấu giá đã quá cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Tuy nhiên, vị này cho rằng xét trên cơ chế thị trường, việc bỏ cọc trong đấu giá đất là hành vi bình thường và khó bàn cãi đúng hay sai. “Một khi ta đấu giá mà không có quy định pháp lý chặt chẽ thì đương nhiên người ta có quyền vào đấu giá, và người ta cũng có quyền bỏ cọc thôi. Rất cần nhìn nhận lại, xem liệu quy trình đấu giá của ta đã thật sự chặt chẽ chưa”, ông Điệp nói.

Để hạn chế tình trạng bỏ cọc trong đấu giá đất, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất cần “vá” những kẽ hở trong quy định đấu thầu và đấu giá, làm sao vừa đảm bảo minh bạch, vừa đảm bảo khả năng thực hiện được đấu giá.

“Nếu không thể khắc phục từ góc độ chính sách xuống thì tương lai, chắc chắn sẽ còn lặp lại trường hợp bỏ cọc đấu giá như vậy. Ta phải có quy định về giá sàn để đấu giá. Doanh nghiệp muốn đấu giá lô đất 1 nghìn tỷ thì doanh nghiệp phải có vốn điều lệ hay vốn chủ sở hữu cao hơn 1 nghìn tỷ đó chẳng hạn”, ông Nghĩa nói.

Về phía ông Nguyễn Thế Điệp, vị này cũng nhận định rất cần đưa ra tiêu chí hợp lý về vốn điều lệ doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tham gia đấu giá đất để hạn chế tình trạng bỏ cọc trong tương lai. Hoặc một giải pháp khác có thể cân nhắc là tổ chức đấu giá tập trung, tức đấu giá nhiều khu đất cùng lúc thay vì đấu từng khu riêng lẻ thì sẽ hạn chế được tối đa tình trạng doanh nghiệp muốn “thổi giá”.