Hàng nội thua kém đối thủ ngoại trên các sàn thương mại điện tử
Cụ thể, báo cáo mới về vị thế của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) mà iPrice vừa công bố bằng việc phân tích dữ liệu tổng hợp được từ 4 sàn TMĐT đa ngành phổ biến nhất là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo đang cho thấy thương hiệu Việt Nam đang có phần nhạt nhòa so với các đối thủ nước ngoài.
Top 1.200 mặt hàng được khách hàng tìm kiếm và mua về nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử hàng hóa có nguồn gốc trong nước chỉ chiếm bình quân khoảng 17%. Theo chiều ngược lại có tới 83% sản phẩm được quan tâm nhất là hàng ngoại nhập.
Đáng quan ngại hơn, con số tỷ lệ sản phẩm nội địa trên các sàn thương mại điện tử lại có chiều hướng sụt giảm từ năm 2020 đến năm 2021.
Tương quan giữa các sàn cho thấy tỷ lệ hàng Việt trong top 1.200 bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Tỷ lệ riêng trên các sàn lần lượt là Sendo (25%), theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%), và thấp nhất là Shopee Việt Nam (13%).
Bước sang đầu năm 2021, các mặt hàng nguồn gốc từ Việt Nam chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy sự suy giảm rõ so với năm trước. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%). Việc Sendo và Tiki xếp cao nhất về lượng hàng Việt trong các sản phẩm bán chạy phần nào cho thấy tính phù hợp cao, và sự hỗ trợ tích cực của hai sàn này cho các doanh nghiệp Việt.
Một trong những tín hiệu đáng tích cực có thể nhắc tới trong khảo sát của iPrice đó chính là hàng Việt bán chạy trong danh mục bách hóa trực tuyến (online) chiếm tỷ trọng cao trên hai sàn nội địa. Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước và con số này ở sàn Tiki là 63%.
Báo cáo thương mại điện tử trong quý 2/2021 từ iPrice và số liệu từ Google, lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223%. Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7, so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6 khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai trên diện rộng tại các địa phương bị dịch.
Những thông số trên cho thấy mùa dịch của khách hàng tập trung chủ yếu cho ngành hàng này.
Ngoài ra nông sản còn có trong danh mục bán đắt hàng tại các sàn thương mại điện tử nội địa, lên tới 27%. Điều này cho thấy, những mặt hàng đặc sản và nông sản trên môi trường online cũng dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.
Dữ liệu trên sàn Sendo thì ngành hàng nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam, số mặt hàng bán trên sàn Sendo tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng đã tăng 29% so với năm trước đó.Đơn vị này cũng cho biết thêm, lượng đơn hàng mua nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng đến 45% so với năm ngoái.
Dù được quan tâm, nhưng vì đâu hàng Việt vẫn lép vế với các đối thủ ngoại?
Được biết, đại dịch trong 2 năm 2020 và 2021 đã buộc người bán phải chuyển từ các phương thức truyền thống sang bán online, và sàn thương mại điện tử là môi trường thích hợp.
Ngay chính bản thân các sàn và các cơ quan chức năng cũng tích cực quảng bá, tạo điều kiện cho hàng Việt được "tỏa sáng". Minh chứng là một số sự kiện nổi bật bao gồm xúc tiến thành công 100 tấn rau Hải Dương và 100 tấn vải thiều Bắc Giang trên sàn Sendo.
Hơn thế nữa, Tiki hiện là sàn duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này vô hình chung làm giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội.
Trong khi đó, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình Gian hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công thương, và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh trên cả nước lên sàn trong mùa dịch. Lãnh đạo Sendo gần đây cũng không giấu mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt Nam.
Nhưng, rõ ràng những thông số kém ấn tượng của thương hiệu nội địa so với hàng ngoại thể hiện rằng, chất lượng mới chính là yếu tố quan trọng, được người tiêu dùng quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất, đây chính là xu hướng mua sắm mới của khách hàng Việt Nam trong vài năm gần đây.
Một thực trạng đáng quan ngại là hàng hóa Việt đủ mạnh về chất, đó là nhận định của ông Nguyễn Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo trong Hội nghị Cơ hội cho Doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng Thương mại điện tử trong bối cảnh mới diễn ra vào năm ngoái. Chất lượng chưa ổn, thương hiệu lại không có nên các sàn thương mại điện tử đã bước đầu đưa sản phẩm Việt để phân phối nhưng rất khó khăn khi triển khai trên diện rộng.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hầu hết chỉ chú trọng vào việc làm sao tăng traffic, kéo tương tác của khách hàng vào gian hàng hoặc sản phẩm của mình. Nhưng hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng hiện đã thay đổi, thay vì nhấp chuột vào những trang đầu tiên, những sản phẩm nổi bật, họ sẽ chủ động tìm kiếm từ khóa và sản phẩm có giá thành phù hợp với nhu cầu. Nên trong thời gian sắp tới, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đủ mạnh chính là chìa khóa quan trọng nhất giúp hàng Việt bật lên so với các đối thủ đến từ nước ngoài.