Sẽ loại bỏ quy định bắt buộc các sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán?
Được biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến liên quan đến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.
Theo cơ quan này thì sau khi ban hành Thông tư 40 đã phát sinh vướng mắc tại một số nội dung nên cần thiết phải có sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và các đối tượng chịu tác động.
Vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến các sàn thương mại điện tử trong thời gian vừa qua là Bộ yêu cầu làm việc với cơ quan thuế để nộp thuế thay các cá nhân kinh doanh đã không xuất hiện nữa.
Thay vào đó, dự thảo đề xuất sửa điểm đ, điểm e khoản 1 điều 8 như sau: Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Tổ chức cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo ủy quyền của pháp luật dân sự.
Như vậy, sàn thương mại điện tử sẽ không phải nộp thuế thay nếu cá nhân không ủy quyền. Đây là điểm thay đổi so với Thông tư 40 trước đó khi các sàn thương mại điện tử lo ngại việc nộp thuế thay người bán sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề phức tạp.
Tuy nhiên, dự thảo Thông tư sửa đổi vẫn yêu các sàn thương mại điện tử đưa ra giải pháp, lộ trình cung cấp thông tin theo hình thức điện tử cho cơ quan thuế.
Cụ thể, nếu không khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh theo uỷ quyền, các sàn vẫn phải cung cấp thông tin người bán bao gồm họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân/hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, doanh thu bán qua sàn và số tài khoản ngân hàng. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau hoặc theo từng lần phát sinh theo yêu cầu của cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Một điểm mới xuất hiện tại dự thảo là quy định cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng một năm trở xuống thì thuộc đối tượng không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Nếu bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.
Tại sao các sàn TMĐT không muốn nộp thuế hộ cho cá nhân kinh doanh?
Vào hồi tháng 6, khi Thông tư 40 được ban hành đã gây không ít băn khoăn cho các đơn vị đứng đằng sau các sàn thương mại điện tử.
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính và cơ quan thuế, Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam Vecom lập luận rằng, sàn giao dịch thương mại điện tử không phải là đơn vị "trả thu nhập" mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử tập trung phần lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng quy định phải kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh sẽ gây khó khăn trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ.
Các sàn TMĐT tiếp tục "than" rằng, thời gian quá ngắn và gấp gáp để các sàn sắp xếp về công nghệ, bố trí thêm nhân lực thực hiện yêu cầu của cơ quan thuế. Việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng để đáp ứng quy định riêng như Việt Nam là không hề đơn giản với các doanh nghiệp xuyên quốc gia đang sở hữu các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, doanh nghiệp và các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều những bất cập khác từ việc cung cấp các thông tin kinh doanh, việc kê khai nộp hộ thuế giờ sẽ làm tăng gánh nặng quản trị và chi phí vận hành của doanh nghiệp…
Thay vì bắt các sàn TMĐT nộp thuế hộ, Bộ Tài chính đề xuất sẽ đánh thuế trực tiếp các loại hàng hóa mua từ nước ngoài thông qua khai hải quan.
Dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất/nhập khẩu theo diện mua bán qua thương mại điện tử đang được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương.
Theo đó, dự thảo nghị định này nhằm vào quản lý thủ tục hải quan, thuế xuất/nhập khẩu với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử (như qua Amazon, Alibaba, website thương mại). Người mua hàng, chủ sàn thương mại điện tử (hoặc qua địa lý làm thủ tục hải quan, đơn vị vận chuyển) có trách nhiệm kê khai hải quan và nộp thuế.
Để quản lý hiệu quả hoạt động mua bán trực tuyến xuyên biên giới, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan với hàng hóa xuất/nhập khẩu qua giao dịch trực tuyến, do Tổng cục Hải quan quản lý. Hệ thống sẽ tiếp nhận, tích hợp, chia sẻ thông tin về đơn hàng từ phía người bán hoặc sàn giao dịch thương mại...
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng quy định mới từ ngày 1/1/2023.
Theo Bộ Tài chính, hiện một số quốc gia trên thế giới đã quản lý và thu thuế với hàng hóa mua bán thương mại điện tử xuyên biên giới, như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada...
Hiện hình thức mua bán qua thương mại điện tử tại Việt Nam tăng rất nhanh, bình quân khoảng 30%/năm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử làm thủ tục thông quan tại Hà Nội ước đạt trên 1 tỷ USD. Còn theo số liệu 1 công ty vận chuyển hàng nhập khẩu từ Trung Quốc do người Việt đặt mua qua sàn thương mại điện tử tại Việt Nam (như Shopee, Lazada), năm 2020 khoảng 551 triệu USD, nửa đầu năm 2021 khoảng 118 triệu USD.