Livestream kết hợp bán hàng trên sàn thương mại điện tử trỗi dậy từ đại dịch

06:00 | 24/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Livestream cùng thương mại điện tử kết hợp cùng nhau dự kiến hình thành một nền kinh tế trị giá hàng chục tỷ mang lại lợi nhuận rất lớn cho lực lượng làm nông nghiệp.

Trỗi dậy mạnh mẽ từ dịch COVID-19

Dịch COVID-19 buộc người nông dân phải thay đổi tư duy bán hàng truyền thống. Thay vào đó, cách làm áp dụng công nghệ, chuyển đổi số như livestream kết hợp việc đẩy hàng lên các kênh mới như thương mại điện tử đã giúp người kinh doanh nông sản. 

Dưới sự phát triển mạnh của mạng xã hội và nền tảng số trong những năm gần đây, việc livestream có thể dễ dàng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, xu hướng làm việc nhà bởi dịch bệnh cũng giúp thu hút lượng lớn người ngồi máy trước máy tính, đây là những yếu tố không thể thuận lợi hơn giúp bán hàng qua livestream trỗi dậy. 

Những hình ảnh người nông dân tự mình livestream sản phẩm, giúp vải thiều Bắc Giang có một vụ mùa bội thu ngay giữa tâm dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, thông qua hình thức bán hàng này, đã giúp cho người nông dân, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá được những sản phẩm đặc sản ở địa phương mình với khách hàng khắp các vùng miền trong cả nước.

Vào mùa vải thiều tháng 6, lần đầu tiên nông dân Lục Ngạn livestream (phát sóng trực tiếp, một chức năng hỗ trợ bán hàng trực tuyến) bán vải thiều, đánh dấu bước tiến về nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều, mở hướng đi mới cho tiêu thụ nông sản của Bắc Giang nói chung. Sàn thương mại điện tử Sendo đã giao fanpage của mình cho những người nông dân để hỗ trợ họ bán hàng. Tại buổi livestream, 2 người nông dân Bắc Giang đã thu hút 30.000 xem trực tuyến đi thăm quan vườn trồng và bán thành công 8 tấn vải thiều chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Trước đó, một sàn thương mại điện tử khác cũng rục rịch tham gia cuộc chơi đó là Voso. Cũng giúp người dân tiêu thụ nông sản bằng hình thức livestream. Khác biệt đôi chút thay vì livestream trên Facebook, Voso để những người nông dân livestream trên chính nền tảng mà mình phát triển.

Voso cũng đang thành lập các nhóm trực tiếp đến nông trại để hướng dẫn bà con nông dân cách chụp ảnh sản phẩm, viết nội dung giới thiệu, livestream và bán hàng.

Đại dịch bùng phát là rủi ro, nhưng trong đó lại xuất hiện cơ may mới khi giúp người dân thích nghi, tìm tòi và học hỏi chuyển đổi số, không chỉ được xuất khẩu, bán qua kênh thương mại điện tử mà còn có thể tiêu thụ bằng hình thức livestream trên những nền tảng mới. 

Nền kinh tế có giá trị hàng chục tỷ USD dường như đang bắt đầu "manh nha" hình thành nhờ những nỗ lực tự chủ đầu ra cho nông sản Việt trong thời gian vừa qua. 

Cần nhanh chóng tận dụng cơ hội

Hiện nay, dân số Việt Nam có lợi thế là trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ người sử dụng Internet cao, Việt Nam có triển vọng để phát triển live commerce.

Thống kê chỉ ra, đến cuối năm 2020 thị trường Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm; tính ra mỗi ngày có khoảng từ 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng tại Việt Nam.

Về thu nhập, báo Vietnamnet tham khảo tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết một hot streamer cỡ trung ghi nhận thu nhập 700 triệu/tháng nhờ bán hàng qua mạng. Mức sống cơ bản tại thành phố này gấp khoảng 2 lần so với Việt Nam. Suy ra từ mức thu nhập tại Việt Nam có thể thấy được một hot streamer có thể "cá kiếm" tới 350 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong đó hướng tới việc đào tạo các streamer thế hệ mới,  những người biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa giải trí và bán hàng. Các hot streamer chính là những ngôi sao trong nền kinh tế livestream. 

Trên thực tế, việc vượt qua áp lực để vừa bán hàng lẫn mang lại tính giải trí cao không hề dễ. Như ở Trung Quốc - quốc gia đã đi trước Việt Nam vài năm, không ít người đã thất bại, đầu tư rất nhiều vốn để theo đuổi công việc này nhưng đã thất bại. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tới các nền tảng xem livestream có khả năng phục vụ cùng lúc hàng triệu lượt truy cập đồng thời. Bên cạnh đó, cần có phần mềm phát livestream được thiết kế để thuận lợi cho việc tương tác.

Nền tảng livestream chuyên nghiệp có thể tạo nên một cuộc trao đổi giữa người livestream và một chuyên gia thông qua cầu truyền hình online. Điều này sẽ tăng thêm tính thuyết phục của streamer đối với người xem, ở đây là những vị khách mua hàng. Một nền tảng livestream chuyên nghiệp cũng sẽ giúp streamer lưu lại nội dung phiên bán hàng để tái sử dụng trên các nền tảng khác. Đây là cách biến một phiên bán hàng livestream trở thành hình thức TV Shopping truyền thống, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận trên mỗi nội dung livestream.

Hiện tại, hầu hết các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều cung cấp nền tảng và dịch vụ cho các chủ shop livestream bán hàng. Các nền tảng này có lợi thế là lượng người theo dõi lớn, chủ shop lại không phải tốn tiền mua quảng cáo để có thêm lượt tiếp cận người dùng.

Các streamer livestream bán hàng qua phương thức này có thể linh hoạt về thời gian, mỗi ngày mỗi người chỉ cần livestream 2-3 tùy theo khung giờ. Lợi thế của phương thức bán hàng này là có thể tương tác trực tiếp cho khách hàng ở xa. Nhiều chủ hàng đã nhanh chóng tận dụng lợi thế này để thu về đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. 

 

Dù mới chỉ đi trước Việt Nam khoảng 3-5 năm nhưng live commerce (gọi tắt của livestream kết hợp với TMĐT) nhanh chóng trở thành nền tảng bán hàng chủ đạo của nhiều doanh nghiệp và cá nhân tại Trung Quốc. 

Live commerce giúp loại bỏ được các khâu trung gian, đưa nông sản từ nơi sản xuất đến chính căn bếp của người tiêu thụ. Lợi ích chia đều cho hai bên, người nông dân được nhiều lãi hơn, còn người mua hàng có được cái giá rẻ nhất. 

Nhiều khách hàng, nhất là tại thành phố ở Trung Quốc cho biết nhiều buổi livestream giúp họ thấy được phần nào hình ảnh quen thuộc tại quê nhà hay cảm nhận phần nào trải nghiệm ở vùng quê mà nơi họ đang sống không thể có. 

Nền kinh tế streaming đang hiển hiện sinh động tại quốc gia láng giềng là mô hình để Việt Nam học hỏi bởi tiềm năng tại nước ta vẫn còn rất nhiều. Live commerce hoàn toàn có thể trở thành ngành công nghiệp chủ đạo trong nền kinh tế số.