Hàng trung chuyển 'transship' là gì theo thông lệ quốc tế?
Các chuyên gia VDSC nêu ra một ví dụ đơn giản về quy trình trung chuyển hàng hóa: giai đoạn trước khi có các tuyến dịch vụ trực tiếp từ Việt Nam đi Mỹ, hàng container xuất khẩu từ Việt Nam được vận chuyển bằng tàu feeder, tập trung tại cũng trung chuyển lớn ở Singapore. Sau đó, container được đưa lên tàu mẹ và chuyển đến thị trường Mỹ.
Trong trường hợp này, thuế nhập khẩu dựa trên mức thuế cho hàng Việt Nam do việc trung chuyến (transshipping) qua Singapore không làm thay đổi xuất xứ hàng hóa.
Nhưng có những ví dụ phức tạp hơn, chẳng hạn nhà sản xuất dùng một động cơ được chế tạo ở Ấn Độ và lắp động cơ đó vào một chiếc xe hơi tại Việt Nam, thì chiếc xe được chế tạo ở Ấn Độ hay Việt Nam? Nếu sau đó lắp đặt thêm thiết bị điện tử từ Đài Loan (Trung Quốc), nguyên liệu bọc nội thất từ Bangladesh, lốp xe từ Malaysia, thì mức thuế sẽ được tính riêng cho mỗi một hàng, hay mức thuế quan của Việt Nam được áp dụng đối với sản phẩm hoàn chỉnh?
Để xác định được mức thuế trong trường hợp này, VDSC cho biết vấn đề cốt lõi là việc phải chứng minh mặt hàng trên đây không phải là hàng chuyển tải (transshipping) mà đã được "chuyển đổi đáng kể" tại Việt Nam. Mức độ "chuyển đổi đáng kể" ra sao sẽ được xác định thông qua một trong hai bài kiểm tra.
Một là sự thay đổi mã HS code (mã 8 chữ số để phân loại hàng hóa theo Tổ chức Hải quan thế giới). Sản phẩm hoàn thiện phải có mã HS khác biệt so với mã HS của các nguyên liệu, bộ phận nhập khẩu từ nước ngoài được sử dụng để sản xuất ra nó. Sự thay đổi mã HS này thường được xem xét ở cấp độ 4 chữ số hoặc 6 chữ số đầu tiên trong hệ thống mã HS.
Hai là kiểm tra tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng khu vực (Regional Value Content - RVC) - một tỷ lệ tối thiểu trong giá trị của sản phẩm khi xuất xưởng phải được tạo ra tại Việt Nam. Có hai phương pháp tính RVC.
Thứ nhất là phương pháp tổng chi phí yêu cầu tỷ lệ gia tăng của Việt Nam tối thiểu 35%.
Công thức: RVC = (Tổng chi phí - chi phí nguyên liệu từ quốc gia khác)/ Tổng chi phí * 100%
Thứ hai là phương pháp chi phí ròng yêu cầu tỷ lệ gia tăng của Việt Nam tôi thiểu 45%.
Công thức: RVC - (Chi phí thuần - chi phí nguyên liệu từ quốc gia khác)/ Chi phí thuần * 100%
Điểm khác biệt giữa hai phương pháp là chi phí ròng là toàn bộ chi phí sản xuất của sản phẩm, không bao gồm chi phí không liên quan trực tiếp đến sản xuất như chi phí bán hàng, quản lý, phí bản quyền....
Như vậy, tỷ lệ nội địa hóa sẽ là yếu tố quan trọng trong câu chuyện thuế quan.

Ảnh: VDSC
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết các ngành thâm dụng lao động như cơ khí, dệt may, da giày có tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao, phần lớn đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Riêng ngành nông sản gần như đạt tỷ lệ nội địa hóa tuyệt đối.
Ngược lại, các ngành chế tạo như ô tô, xe máy, điện tử và công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và công nghệ nhập khẩu đang nỗ lực tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.