Hành vi thao túng thị trường chứng khoán gia tăng, Bộ Tài chính nói gì?

Đông Bắc 15:09 | 21/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định quan điểm của Bộ là vừa ủng hộ, vừa giám sát, kiểm tra để tránh hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu.

Không lâu sau khi ra quyết định khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) của lãnh đạo Tập đoàn FLC, khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phát hành trái phiếu DN xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ngày 20/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” (TTCK) xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land và các đơn vị liên quan.

Chia sẻ về quan điểm của Bộ Tài chính trước thông tin có thêm một số cá nhân, tập thể bị khởi tố với cáo buộc có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết quan điểm của Bộ là vừa ủng hộ vừa giám sát, kiểm tra các hoạt động trên thị trường để tránh hành vi thao túng chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu.

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ có những chế tài xử phạt nghiêm minh với những trường hợp đưa thông tin sai lệch, dùng nhiều tài khoản để mua bán, thao túng thị trường. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, thực hiện đúng theo quy định, Bộ Tài chính sẽ ủng hộ hết mức, hướng đến mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững.

 

Trong năm 2021, UBCKNN đã ban hành tổng cộng 568 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 25,9 tỷ đồng, bao gồm xử phạt 4 cá nhân có hành vi thao túng 3 mã cổ phiếu với tổng số tiền phạt 2,3 tỷ đồng; lần đầu xử phạt 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có hành vi che dấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin, vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (HDI Global SE); xử phạt 2 doanh nghiệp chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCKNN, đồng thời buộc thu hồi trái phiếu, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư (Vset Group và Apec Group); phạt 1 công ty chứng khoán (VIS) vì vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp.

Trước đó, Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn cũng khẳng định việc Cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố hình sự một số vụ án vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như thời gian gần đây là những sự việc đơn lẻ, không phản ánh bức tranh chung của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường tài chính nói chung.

Ông Tuấn cũng khẳng định thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng mặc dù mới hình thành và phát triển nhưng đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Đến nay, quy mô thị trường chứng khoán đã đạt trên 92% quy mô nền kinh tế. Cùng với sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, theo đánh giá của tổ chức, chuyên gia quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển ổn định, minh bạch, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước triển khai những giải pháp cụ thể, đồng bộ như tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý trúng và đúng đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings vừa bị bắt và khởi tố liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán. Ảnh CFB.

Nói về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land và các đơn vị liên quan, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, ở bất kỳ một TTCK nào cũng luôn tiềm ẩn các hành vi thao túng chứng khoán. Tuy nhiên, từ lúc phát hiện ra các giao dịch có dấu hiệu bất thường đến lúc xử lý được một vụ việc thao túng chứng khoán các cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra chặt chẽ, đòi hỏi nhiều nghiệp vụ phức tạp và mất nhiều thời gian.

Vì vậy, việc đưa ra kết quả rất sớm tại “nhóm Louis” là nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03). Đặc biệt hơn nữa, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng quá trình điều tra đi đến kết quả đều được xử lý chặt chẽ, đúng quy trình, quy định pháp luật.

“Kết quả điều tra tiếp tục là một minh chứng thực tiễn cho thấy tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ Tài chính, Chính phủ trong việc xử lý nghiêm các sai phạm, để tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, bền vững cho TTCK”, đại diện UBCKNN chia sẻ.

Thông tin cụ thể hơn về vụ việc này, đại diện UBCKNN cho biết, trên cơ sở kết quả giám sát và các thông tin phản ánh trên báo chí về hiện tượng tăng giá của một số cổ phiếu liên quan nhóm Louis, UBCKNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các Sở GDCK giám sát chặt chẽ giao dịch của các mã chứng khoán này; yêu cầu các Sở GDCK báo cáo phân tích giám sát giao dịch cổ phiếu của nhóm Louis.

Xác định đây là vụ việc phức tạp, gây tác động đến TTCK, UBCKNN chủ động trao đổi, phối hợp với cơ quan Công an ngay từ đầu để xử lý vụ việc. Nhận định có dấu hiệu thao túng giá đối với cổ phiếu TGG và BII của nhóm tài khoản liên quan đến Đỗ Thành Nhân, UBCKNN đã chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả kiểm tra giao dịch cổ phiếu TGG, BII để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán. Đây là lần thứ 4 trong tháng này, Thủ tướng có chỉ đạo về việc thực hiện giải pháp đảm bảo ổn định thị trường tài chính, chứng khoán.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin theo đúng quy định. Trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định.