Đồng USD mỗi ngày một mạnh, chạm đỉnh 2 năm: Phấp phỏng dự báo cho VND

Nguyễn Thị Thùy Dung 11:48 | 21/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Mỗi ngày trôi qua, đồng USD lại mạnh lên một chút. Điều này đang tác động đến các tập đoàn đa quốc gia trên thị trường nói chung. Đồng USD mạnh về cơ bản không tích cực cho thị trường”, nhà giao dịch Guy Adami nhận định trên tờ CNBC.

Mọi con đường đều dẫn đến đồng USD mạnh lên

Tại phiên giao dịch 21/4 (giờ Mỹ), chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã lên mức 100.48 điểm, cao nhất kể từ tháng 3/2020 đến nay, đồng thời tăng tới 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Dollar Index đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Market Watch)

Đồng USD mạnh lên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (FED) phát tín hiệu tiếp tục siết chính sách tiền tệ thông qua nâng lãi suất trong tháng 5 và chuẩn bị thu hẹp bảng cân đối kế toán. Công cụ đo lường FEDWatch của CME Group hiện định giá hơn 90% cơ hội FED nâng lãi suất tới 0,5% trong cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới, đồng thời kỳ vọng mức nâng lãi suất tổng cộng 2,15% trong năm 2022. 

Kỳ vọng lãi suất tại Mỹ tăng mạnh trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác tại châu Âu (ECB) và Nhật Bản (BOJ)... chưa vội siết chính sách tiền tệ tạo thành một điểm tựa vững chắc cho sức mạnh đồng bạc xanh nhích lên từng ngày.

Theo kết quả một cuộc thăm dò trong tháng này của Reuters, các chiến lược gia ngoại hối hàng đầu cho rằng đồng USD vẫn duy trì sức mạnh trong thời gian tới, chừng nào FED vẫn phát tín hiệu tăng lãi suất dồn dập, mạnh mẽ và thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua hút tiền về. 

Cụ thể, hơn 2/3 số nhà phân tích được hỏi cho biết đồng USD sẽ mạnh lên trong ít nhất 3 tháng nữa. Theo các chiến lược gia, phần lớn nguyên nhân thúc đẩy sức mạnh đồng bạc xanh là do bình luận từ các quan chức FED, những người đang tìm cách mở đường cho mức tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tháng 5 này. 

Đa số dự báo cho rằng đồng bạc xanh sẽ mạnh lên trong ít nhất 3 tháng nữa (Ảnh: Reuters)

Ông Chris Turner, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của ING nhận định: “Tôi cho rằng đồng USD có thể duy trì mức tăng trong năm 2022. Có lẽ chúng ta không nên kỳ vọng sự suy yếu của đồng tiền này, ít nhất cho đến quý I hoặc quý II/2023”.

“Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là khi bạn (doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ) chuyển một lượng tiền về Mỹ, số tiền quy đổi ra sẽ ít đi nhiều. Nếu tôi là McDonald, với hơn một nửa hoạt động kinh doanh đặt bên ngoài nước Mỹ, tôi sẽ trở thành nạn nhân chứ không hề được hưởng lợi do sự mạnh lên của đồng USD”, nhà giao dịch Karen Finerman cho hay.

Không riêng các tập đoàn đa quốc gia Mỹ, các nền kinh tế mới nổi dự kiến cũng chịu sức ép từ việc đồng USD mạnh lên.

Đồng bạc xanh tăng giá: “nỗi đau” cho các thị trường mới nổi

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng bạc xanh mạnh lên kéo theo sự mất giá tiền tệ tại nhiều quốc gia mới nổi sẽ là tin xấu đối với các nền kinh tế này. Cụ thể, ước tính của BIS cho thấy mỗi phần trăm mạnh lên của đồng USD có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khoảng 0,3%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì chỉ ra rằng một khi đồng USD mạnh lên, các hàng hóa được định giá quốc tế bằng đồng USD sẽ bị đẩy giá lên khi tính theo tiền tệ khác, dẫn đến thu nhập thực tế giảm đi ở các thị trường mới nổi. Thu nhập thực tế giảm kéo theo nhu cầu giảm, qua đó kìm hãm xu hướng tăng trưởng kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của các thị trường mới nổi vào hệ thống thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng USD cũng biến các nền kinh tế này thành đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi tỷ giá hối đoái biến động.

Một nỗi lo khác, đồng USD mạnh lên đồng nghĩa khối nợ bằng đồng USD ở những nền kinh tế mới nổi phình to hơn, làm tăng nguy cơ gây ra khủng hoảng nợ tại một số quốc gia. Gánh nặng nợ tiềm ẩn tăng lên có thể kéo theo nguy cơ làm thụt lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn đã đang đứng trước áp lực lớn do xung đột Nga - Ukraine, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài.

Tác động đến Việt Nam

Tại Việt Nam, đồng Việt Nam (VND) được dự báo có xu hướng mất giá so với đồng USD từ nay đến cuối năm trong bối cảnh đồng USD mạnh lên mức cao nhất 2 năm.

Trong quý I/2022, phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cho thấy chỉ số Dollar Index biến động khá mạnh do tâm lý thị trường chuẩn bị cho đợt nâng lãi suất của FED và ảnh hưởng của chiến sự ở Ukraine; tuy nhiên duy trì đà tăng mạnh sau đợt nâng lãi suất của FED hồi tháng 3. Diễn biến này khiến VND mất giá tương đối so với đồng USD.

Dù vậy, BSC dự báo sự chênh lệch giá trị giữa hai đồng USD và VND sẽ không quá tiêu cực do trữ lượng ngoại hối của Việt Nam ở mức cao 109 tỷ USD và cán cân thương mại ở mức tốt (lũy kế 3 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 0,91 tỷ USD).

Diễn biến tỷ giá USD/VND trong năm qua (Ảnh: VCBS)

Dự báo cho xu hướng tỷ giá năm 2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng VND tiếp tục giảm giá tương đối so với USD, với mức biến động không quá 2% cho cả năm.

Theo VCBS, có 2 nguyên nhân chính khiến VND mất giá so với USD trong năm nay. Một là FED thắt chặt chính sách tiền tệ, hai là nguồn cung ngoại tệ không thực sự thuận lợi cho năm nay do rủi ro xung đột Nga - Ukraine làm chậm quá trình ra quyết định đầu tư và giải ngân vốn đầu tư, đồng thời giá nhiên nguyên vật liệu tăng bào mòn thặng dư thương mại, đặc biệt tại khối doanh nghiệp trong nước. Diễn biến này khiến cho quá trình tăng cường nguồn lực dự trữ ngoại hối của NHNN gặp khó khăn so với các năm trước đây. 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VCBS cho rằng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kỳ vọng mức tăng trưởng GDP cao cũng như sự ổn định của thị trường ngoại hối và khả năng kiểm soát dịch bệnh vẫn tiếp tục là những điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở múc cao nhất trong nhiều năm (Ảnh: VCBS)

Với các đồng tiền khác, TS. Lê Xuân Nghĩa,  thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng do VND neo chặt với USD nên một khi USD mạnh lên, VND cũng có xu hướng tăng giá so với nhiều loại tiền tệ.

Điều này vô hình chung gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, do hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài bị đắt hơn tương đối, giảm sức cạnh tranh. Nhưng về cơ bản trước mắt, Việt Nam vẫn sẽ neo tỷ giá tiền đồng với đồng USD dựa trên cam kết tỷ giá với Bộ Tài chính Mỹ.