HAPTA kiến nghị cho xe buýt ở Hà Nội chạy lại từ ngày 1/10

08:20 | 30/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội (HAPTA) đã kiến nghị UBND thành phố, Sở Giao thông Vận tải cho phép xe buýt trên địa bàn hoạt động trở lại từ ngày 1/10.

Theo lãnh đạo đơn vị, việc này sẽ hỗ trợ người lao động trong ngành, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xe buýt chạy lại cũng phục vụ sự đi lại của người dân khi nới lỏng giãn cách.

Lãnh đạo HAPTA cho hay người lao động trong các doanh nghiệp xe buýt hầu hết đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Với việc thành phố đã 2 lần nới lỏng một số dịch vụ và sinh hoạt, HAPTA đề nghị cho phép xe buýt chạy lại với điều kiện người phục vụ được tiêm vaccine, phương tiện được khử khuẩn và hành khách có đeo khẩu trang.

Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 6h ngày 21/9. Sau 2 tháng giãn cách xã hội, số ca bệnh tại thủ đô đang có xu hướng giảm dần và thấp nhất từ đầu đợt bùng phát thứ 4. Tính đến tối 29/9, CDC Hà Nội đã ghi nhận 3.969 trường hợp mắc Covid-19.

UBND Hà Nội cho phép dịch vụ ăn uống (mang về), cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, xe cộ, văn phòng phẩm được hoạt động trở lại. Bên cạnh thể dục ngoài trời, trung tâm thương mại, cửa hàng mỹ phẩm, quần áo cũng được phép mở cửa trở lại.

Các bến xe, doanh nghiệp vận tải đã sẵn sàng

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (đơn vị quản lý 3 bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho biết, vẫn chưa nhận được thông báo chính thức của thành phố cho phép các bến xe mở cửa trở lại.

“Dù vậy, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, chúng tôi tin rằng Hà Nội đang chuẩn bị phương án để các hoạt động vận tải sớm trở lại”, ông Toàn nói và cho biết, tinh thần của các bến xe là sẵn sàng mở cửa để phục vụ doanh nghiệp và hành khách sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch.

Từ ngày 24/7 đến nay, toàn bộ xe buýt Hà Nội phải dừng mọi hoạt động. Ảnh Vneconomy.

Lãnh đạo các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đều cho biết, đều đã chuẩn bị sẵn sàng bến bãi, phương tiện để hoạt động trở lại.

Ở góc độ doanh nghiệp xe buýt, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nhìn nhận, trong thời gian tạm dừng hoạt động vẫn yêu cầu các đơn vị thường xuyên chăm sóc phương tiện để duy trì chất lượng, an toàn.

Về mặt tiêu chí chung, lái xe, nhân viên phục vụ, phương tiện cũng như hành khách phải được đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Văn phòng, bãi đỗ, nhân sự vận hành thực hiện đánh giá trước, trong và khi kết thúc giờ làm việc.

Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, phương án được triển khai sẽ áp dụng theo 3 giai đoạn. 

Đầu tiên, 15 ngày sau thời điểm giãn cách xã hội trên toàn thành phố, kể từ 6h ngày 21/9 đến hết ngày 5/10; tiếp theo là giai đoạn từ ngày 6/10; Cuối cùng giai đoạn bình thường mới.

Giai đoạn 1, tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được vận chuyển không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).

Giai đoạn sau thời điểm giãn cách 15 ngày (kể từ ngày 6/10), lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Cũng theo ông Hải, đối với giai đoạn từ ngày 6/10, tần suất hoạt động của xe buýt không quá 80% công suất. Xe chỉ được đáp ứng không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).

Trong giai đoạn bình thường mới, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách phải có “thẻ xanh Covid”. Xe buýt được hoạt động 100% công suất và không yêu cầu giãn cách hành khách.

Được biết, Hà Nội hiện có 118 tuyến buýt có trợ giá hoạt động, mỗi tháng toàn mạng vận chuyển được khoảng 26 triệu lượt hành khách. Trong đó, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chiếm 80% thị phần hoạt động. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 liên tục bùng phát, công ty cắt giảm 50% công suất hoạt động. Từ ngày 24/7 đến nay, toàn bộ xe buýt Hà Nội, trong đó có Transerco phải dừng mọi hoạt động.

 

 
Có 3 tiêu chí được xem là quan trọng nhất được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra, gồm: tiêu chí thẻ xanh; tiêu chí tần suất hoạt động; tiêu chí về lộ trình. Trong tuần này sẽ xây dựng xong phương án và báo cáo xin ý kiến UBND thành phố, tiếp đó sẽ có phương án chi tiết để các vị vận hành buýt thực hiện.