Hậu COVID-19: Thông tin những nước đã nối lại đường bay quốc tế với Việt Nam

11:27 | 26/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam sẽ mở 4 đường bay quốc tế thường lệ giữa TP HCM, Hà Nội đi Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Cuối tháng 9 sẽ mở tiếp 2 đường bay thường lệ đến Campuchia, Lào.

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, việc đóng/mở đường bay quốc tế không còn đơn giản là điều hành linh hoạt lịch khai thác của hãng hàng không để tối ưu hóa doanh thu. Thay vào đó, nghiệp vụ này mang sắc thái của hoạt động đóng/mở cửa nền kinh tế.

Hôm qua (25/9), chuyến bay mang số hiệu VN417 của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), có hành trình từ Seoul (Hàn Quốc) về Hà Nội được ghi nhận là chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chính thức về Việt Nam đầu tiên sau dịch COVID-19 của ngành hàng không Việt Nam.

Do những yêu cầu đặc biệt về thủ tục đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, vé không được mở bán trên website VNA. Khách hàng có nhu cầu có thể liên hệ mua vé qua các phòng vé, đại lý chính thức của VNA tại Việt Nam hoặc Hàn Quốc.

Với ý nghĩa là chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên về Việt Nam và để đánh giá khả năng tiếp nhận khách từ các đường bay quốc tế thường lệ về Việt Nam, công tác tổ chức cho chuyến bay được VNA cùng các cơ quan chức năng phối hợp chuẩn bị chặt chẽ trong nhiều ngày qua.

Hậu COVID-19: Thông tin những nước đã nối lại đường bay quốc tế với Việt Nam - ảnh 1

Trưa 25/9, chuyến bay mang số hiệu VN417 của Vietnam Airlines khởi hành từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Zing.vn

Được biết, VNA là hãng hàng không tiên phong mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ một chiều đến Nhật Bản từ ngày 18/9 tới. Chiều ngược lại, đại diện hãng cho hay các chuyến bay chở khách sẽ được khai thác khi có quyết định chính thức của nhà chức trách. Đại diện hãng thông tin thêm, sau đường bay đi Nhật Bản, hãng đang xây dựng phương án khôi phục các đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia.

Các hãng VietJet, Bamboo Airways cũng cho biết đang sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế sắp tới. Tuy nhiên, các hãng cho rằng việc vận chuyển khách một chiều sẽ tăng thêm lãng phí cho chiều ngược lại. Dù vậy, trong điều kiện dịch bệnh, các hãng tuân thủ yêu cầu của nhà chức trách.

Theo kế hoạch do Vietnam Airlines và VietJet Air đệ trình, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội vào các ngày thứ 3,4,5 với tổng số tối đa 1.304 ghế và 5 chuyến bay hạ cánh TP HCM vào các ngày thứ 3, 4, 5, 6 với tổng số tối đa 1.290 ghế.

Theo kế hoạch, ngày 25 và 30/9 sẽ có thêm 2 chuyến bay thương mại của Vietnam Airlines từ Hà Nội và TP HCM đi Tokyo. Hành khách chủ yếu là du học sinh, người lao động Việt Nam đến Nhật Bản để tiếp tục học tập, lao động và sinh sống cùng một số công dân Nhật Bản về nước. Bên cạnh chở hành khách, chuyến bay còn kết hợp chở hàng hóa nhằm phục vụ giao thương, sản xuất. 

VietJet cũng dự kiến khôi phục chuyến bay quốc tế đầu tiên từ ngày 29/9, gồm đường bay TP HCM đi Tokyo, Seoul và Hà Nội đi Đài Bắc. Trước dịch COVID-19, VietJet có tần suất khai thác lớn đến Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). 

Mặc dù là khôi phục các đường bay thường lệ nhưng trong thời gian này, Cục Hàng không thực hiện cấp phép cho từng chuyến bay.

Trao đổi với báo Nhân Dân điện tử, Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường cho biết, trong thời gian đầu khôi phục lại một số đường bay quốc tế, phía Việt Nam và các đối tác sẽ thực hiện chỉ định hãng hàng không được khai thác bay. 

Việt Nam đã chỉ định 2 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines và VietJet, khi tình hình tốt hơn sẽ bổ sung thêm Pacific Airlines và Bamboo Airways.

Trước thông tin Việt Nam mở lại một số đường bay quốc tế, các tiểu thương chợ Bến Thành (TP HCM) tỏ ra phấn khởi, hy vọng tình hình kinh doanh cũng dần khởi sắc.

Chợ Bến Thành là điểm đến du lịch ở vị trí trung tâm TP HCM, việc khôi phục lại đường bay quốc tế hứa hẹn sẽ đem lại lượng khách nước ngoài đáng kể đến chợ để mua bán, tham quan nên các tiểu thương tại đây cũng chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh.

Theo các tiểu thương, thời gian gần đây việc kinh doanh cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Lượng khách đến chợ tăng cao so với thời điểm dịch bùng phát. Một số sạp cũng đã kinh doanh trở lại sau thời gian dài đóng cửa.

Theo một số chuyên gia về kinh tế, sự phát triển từ 2% đến 2,5% của ngành hàng không sẽ kích thích tăng trưởng GDP khoảng 1% và điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng trong việc tăng trưởng nền kinh tế nói chung. Việc mở rộng lại các đường bay quốc tế sẽ giúp cho nhu cầu nối kết lại các vấn đề về giao thương, du lịch, học tập, kinh tế… qua lại giữa các quốc gia sẽ tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định, phục hồi nền kinh tế đất nước.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Võ Huy Cường cho biết, ngoài việc chống dịch, việc tăng cường vận chuyển bằng đường hàng không quốc tế kết nối bên ngoài, từng bước khôi phục các hoạt động trở lại bình thường, đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn không chỉ là phát triển kinh tế đầu tư, thương mại mà còn là du lịch và giao lưu văn hoá.

PGS-TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc nối lại đường bay sớm sẽ giúp Việt Nam kết nối lại với thế giới và những doanh nghiệp có khả năng duy trì được động lực ấy có động cơ tạo lại nguồn lực. Những điều này xuất phát từ những nhu cầu rất bức thiết của nền kinh tế. Nếu hàng không và du lịch nối lại được sẽ lan toả động lực ra, khách du lịch đến sẽ làm sôi động nền kinh tế. Chúng ta cần tính tới những điều kiện và đưa ra phương án quyết liệt và khẩn trương.

Cũng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, vấn đề an toàn vẫn là số 1, muốn mở lại chúng ta phải phân tích kỹ cả điều kiện bảo đảm an toàn và nhu cầu đi lại của người dân.

Lệ Vỹ

Xem thêm: Bản tin kinh tế sáng 26/9/2020: Cho phép nhập khẩu một số loại phế liệu