Năm 2022, Vietnam Airlines đặt mục tiêu giảm lỗ hơn 23%
Tại Đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng gồm: kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán; báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2021 và định hướng năm 2022…
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, lỗ ròng 9.335 tỷ đồng, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết: “Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá khó khăn, thuận lợi, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, với nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an toàn tuyệt đối khai thác, điều hành chủ động, linh hoạt theo diễn biến thị trường, cắt giảm chi phí, cân đối dòng tiền.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn bị các kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và kinh doanh hiệu quả”.
Năm 2022, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch triển khai tái cơ cấu toàn diện sau khi Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không được cấp có thẩm quyền và Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo đó, Vietnam Airlines chủ yếu tập trung triển khai các giải pháp từ nội lực của doanh nghiệp như tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn…
Cùng với đó, Vietnam Airlines tái cơ cấu tổ chức sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, đổi mới quản trị tập trung xây dựng, điều chỉnh lại quy chế, quy trình thực hiện công việc, đẩy mạnh ứng dụng đổi mới hệ thống công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá cao Vietnam Airlines trong hoạt động gia tăng, tìm kiếm nguồn doanh thu mới, cũng như tái cơ cấu mạnh mẽ, cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực. Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo sát, hỗ trợ Vietnam Airlines trong quá trình phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Năm 2021, chi phí cắt giảm của Vietnam Airlines đạt trên 10.300 tỷ đồng, trong đó chi phí cắt giảm được nhờ nỗ lực tự thân là trên 5.500 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc linh hoạt tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường; tái cơ cấu lao động; đàm phán giảm giá, giãn, hoãn các khoản thanh toán; tái cơ cấu các khoản vay; bán tàu bay cũ...
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, Vietnam Airlines đã đạt được những kết quả khả quan hơn so với kế hoạch năm 2021 đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 ở mức 29.752 tỷ đồng, lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.339 tỷ đồng so với số lỗ kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông.
Năm 2021, Vietnam Airlines đã triển khai thành công gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng; trong đó, hoàn thành việc phát hành thêm hơn 796 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng thêm 7.961 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn cũng như cải thiện các chỉ tiêu tài chính của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines cũng đã hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng thuộc gói vay tái cấp vốn với ba ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay là 4.000 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê, Vietnam Airlines đã vận chuyển được 6,13 triệu hành khách, 219,6 nghìn tấn hàng hóa trong năm 2021; trong đó, có hơn 15.000 y bác sĩ, quân nhân, gần 300 tấn trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine COVID-19.