Hậu Giang xây dựng nông nghiệp quy mô sản xuất hàng hóa lớn

Phạm Duy Khương/TTXVN 09:51 | 28/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Đồng thời, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Theo đó, Hậu Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng tăng dần các loại giống phẩm chất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2020. Các hợp tác xã trên địa bàn áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất như: máy móc, thiết bị, cơ giới trong sản xuất, kinh doanh; áp dụng kỹ thuật tưới tiêu hiện đại trong canh tác; tổ chức cho thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn hữu cơ và thực hiện chứng nhận truy xuất nguồn gốc. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi của hợp tác xã của Hậu Giang được chứng nhận nguồn gốc, chất lượng, an toàn từ 50% trở l

Cùng với đó, Hậu Giang xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp và các trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản. Cũng như tỉnh sẽ xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới.

Cụ thể, tỉnh phát triển một số ngành hàng nông sản chủ lực như lúa gạo vẫn là mặt hàng chủ lực trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Do đó, mục tiêu chính của tỉnh Hậu Giang là phát triển ngành hàng lúa gạo theo định hướng xuất khẩu bền vững với thương hiệu Hậu Giang.

Đến năm 2025, tỉnh chuyển đổi cơ cấu giống tăng diện tích sử dụng giống xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn, mặn; các loại giống theo nhu cầu của thị trường xuất khẩu để từng bước chuyển sang canh tác lúa có chất lượng cao, đặc sản phục vụ tiêu dùng trong nước và các thị trường có tiêu chuẩn cao. Cùng đó, duy trì một phần diện tích lúa chất lượng trung bình để chế biến xuất khẩu. Cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp.

Đối với ngành hàng cây ăn trái, đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu mở rộng diện tích trái cây đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đặc biệt là mít, chanh không hạt và bưởi và căn cứ theo bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, chủ yếu chuyển đổi từ các vùng đất lúa kém hiệu quả ở các khu vực bị phèn nặng, có nguy cơ xâm nhập mặn, khu vực có địa hình cao; các vùng đất ven sông màu mỡ.

Riêng ngành hàng chăn nuôi và thủy sản, Hậu Giang phát triển ngành chăn nuôi lợn và lựa chọn một số giống vật nuôi khác có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn như gia cầm, bò, dê, chim cút, chim yến, ong mật... Đến năm 2025, tỉnh phát triển ngành nuôi lươn, cá thát lát và cá tra trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, định hướng xuất khẩu.

Tỉnh Hậu Giang vốn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp từ lâu đời với điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lúa và cây ăn trái. Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp là hơn 140 ngàn ha, chiếm 86,58% trong cơ cấu diện tích đất toàn tỉnh; trong đó, đất trồng lúa là 77.000 ha. Hàng năm toàn tỉnh cung cấp cho thị trường trên 1 triệu tấn lúa.

Giai đoạn 2016- 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Hậu Giang tính theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 2,54%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 1,09%/năm, lâm nghiệp tăng 2,8%/năm, thuỷ sản tăng 5,1%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản  của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, quy mô thủy sản tăng dần và nông nghiệp giảm dần với tỷ trọng ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản năm 2015 là 87,62% - 0,83% - 11,55% thì đến năm 2020 tương ứng là 86,86% - 1,04% - 12,1%. Trong nông nghiệp, tỷ trọng ngành trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ năm 2015 là 80,28% - 11,76% - 7,95%, đến năm 2020 tương ứng là 80,42% - 11,16% - 8,42%./.