Hé lộ loạt lợi thế giúp Coteccons duy trì đà tăng trưởng trong 2023

Thùy Dương 15:10 | 15/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
2023 được dự báo tiếp tục là 1 năm nhiều "sóng gió" cho toàn ngành xây dựng với triển vọng tăng trưởng phân hóa mạnh giữa các mảng. Bên cạnh những khó khăn hiện hữu, tạo áp lực lên mảng xây dựng dân dụng, các chuyên gia nhận định thị phần sẽ dần thuộc về 1 số "ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng - KCN, điển hình như Coteccons.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Mirae Asset (MAS) về CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng doanh thu của CTD sẽ đạt mức vừa phải là 15% và lợi nhuận ròng phục hồi vào năm 2023, mặc dù còn nhiều thách thức ở phía trước.

Cụ thể, MAS dự báo doanh thu và lãi ròng của công ty mẹ lần lượt là 16.717 tỷ đồng, tăng 15% và 250 tỷ đồng, tăng mạnh 1.104% so với cùng kỳ.

Tỷ suất lợi nhuận gộp kỳ vọng sẽ cải thiện và trở lại mức bình thường từ 3,3% lên 4%, nhờ giá vật liệu xây dựng giảm đáng kể bên cạnh khả năng quản trị chi phí tốt của CTD.

Theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt được động lực mạnh mẽ trong quý IV/2022, CTD được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng doanh thu vừa phải là 15% và lợi nhuận ròng phục hồi trong 2023 nhờ giá trị hợp đồng ký kết (backlog) lũy kế đến cuối năm ngoái của công ty là 17.000 tỷ đồng có thể tạo nền tảng cho tăng trưởng doanh thu. Ngoài ra, backlog hầu hết được tính theo phương pháp fast–track (thực hiện các hoạt động song song), tạo ra tăng trưởng doanh thu bền vững hơn, kèm theo chi phí và rủi ro thấp hơn so với các dự án thông thường khác theo hình thức MOU (thỏa thuận không ràng buộc). Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá tính chất phức tạp của phương pháp này đòi hỏi một nhà thầu có năng lực và trình độ cao để thực hiện.

MAS cũng nhận thấy chiến lược “repeat–sales” là 1 yếu tố quan trọng giúp CTD duy trì phong độ tăng trưởng. Với chiến lược này, công ty sẽ tập trung vào các danh mục khách hàng hiện hữu có tình hình tài chính lành mạnh và khả năng thanh toán đảm bảo, giúp giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Danh mục khách hàng của công ty điển hình như Giày Apache Việt Nam, Tập đoàn KN, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Hòa Phát.

Bên cạnh tiềm năng tăng trưởng, nhóm phân tích cũng không loại trừ các rủi ro cho công ty. Cụ thể, về trích lập dự phòng khoản phải thu, sau mức trích lập dự phòng cao kỷ lục 388 tỷ đồng trong năm trước, MAS kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục trích lập chi phí dự phòng ở mức độ tương đối giai đoạn 2023 - 2025, với tỷ trọng khoảng 0,5%– 1% doanh thu hàng năm.

Về trích lập dự phòng chứng khoán kinh doanh, trừ khi thị trường giá giảm tái diễn, các chuyên gia cho rằng sẽ không có khoản trích lập dự phòng nào cho danh mục này trong năm nay. Do CTD hoạt động trong ngành có tính chu kỳ cao với hệ số beta (thước đo mức độ rủi ro) lớn nên giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn bởi những biến động của thị trường.

Quý I năm nay, dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận ròng của CTD vẫn đi lùi so với cùng kỳ (svck), do ảnh hưởng của chi phí tài chính và chi phí giá vốn tăng cao.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 3.130 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Các mảng hoạt động của công ty đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng, trong đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt hơn 3.124 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng doanh thu. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm 17% còn gần 56 tỷ đồng.

Với hoạt động tài chính, dù doanh thu tăng 12% lên gần 85 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi ngân hàng, nhưng chi phí tài chính lại gấp 2,7 lần cùng kỳ với gần 32 tỷ đồng, do chi phí lãi vay tăng mạnh. Kết quả, CTD chỉ lãi ròng hơn 22 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm 24% so cùng kỳ 2022.

Trước đó, công ty báo cáo doanh thu năm 2022 đạt 14.537 tỷ đồng, tăng mạnh 60% so với năm trước, do ảnh hưởng từ mức nền thấp. Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện 30 điểm cơ bản, từ 3% lên 3,3% do chi phí vật liệu xây dựng đã giảm từ giữa năm ngoái.

Tuy nhiên, thu nhập từ hoạt động kinh doanh trái ngược với mức tăng trưởng ấn tượng, khi CTD báo lỗ 54 tỷ đồng do trích lập dự phòng cho các khoản phải thu và chứng khoán kinh doanh. Mặc dù lỗ từ hoạt động kinh doanh nhưng công ty đã tránh được khoản lỗ ròng nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoàn nhập chi phí xây dựng và hoàn nhập trích lập dự phòng bảo hành là 83 tỷ đồng.

Theo MAS, đến cuối năm 2022, số dự án CTD đã thắng thầu có trị giá xấp xỉ 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), trong đó backlog cho năm 2023 là 17.000 tỷ đồng.

 

Ngành xây dựng 2023: Chỉ 2 phân khúc còn dư địa tăng trưởng bên cạnh khó khăn "chồng chất"

Theo báo cáo triển vọng toàn ngành hồi đầu năm, trong bối cảnh thị trường bất động sản dự kiến còn nhiều khó khăn, phân khúc xây dựng dân dụng có khả năng bị thu hẹp đáng kể, chỉ một số ít chủ đầu tư với tiềm lực mạnh mới đủ năng lực triển khai dự án mới, các chuyên gia MAS dự kiến mảng dân dụng sẽ bị thắt chặt khiến thị phần thị trường thu hẹp và cạnh tranh trở nên gay gắt hơn nữa cho 2023. Chính vì thế, phân khúc nhà xưởng - khu công nghiệp (KCN) và hạ tầng là 2 phân khúc còn dư địa cho tăng trưởng.

Đồng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá triển vọng năm 2023 sẽ phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp. Cụ thể, mảng xây dựng công nghiệp nhận triển vọng kinh doanh tích cực nhờ bùng nổ nhu cầu xây dựng nhà xưởng, hạ tầng KCN và các loại vật liệu quan trọng đã ghi nhận mức giảm giá đáng kể. Thị phần sẽ dần thuộc về các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng KCN, hạ tầng đẩy mạnh gia nhập thị trường, CTD là 1 trong số những doanh nghiệp đó.

Cũng theo VCBS, mặc dù nhiều doanh nghiệp xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong giá trị backlog giai đoạn cuối 2021 – đầu 2022, nhưng mức độ triển khai thi công các dự án về cơ bản tương đối chậm do các yếu tố như tiến trình phê duyệt hồ sơ chậm và tồn đọng nhiều vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết, đặc biệt đối với các dự án nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM; Khó khăn về nguồn lực tài chính của chủ đầu tư và nhà thầu trong bối cảnh môi trường tín dụng bị siết chặt trong khi các chi phí giải phóng mặt bằng, phát triển dự án và vật liệu xây dựng tăng mạnh. Cuối cùng là hoạt động thi công gặp nhiều trở ngại do thiếu hụt lao động và tình hình thời tiết mưa nhiều không thuận lợi, đặc biệt tại các dự án cao tốc.

 

 Một số dự án Coteccons thắng thầu trong quý IV/2022. Nguồn: MAS tổng hợp dữ liệu công ty.