Hệ thống ngân hàng Việt liên tục được tăng mức xếp hạng uy tín

18:33 | 08/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những năm gần đây các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đều có đánh giá tích cực cũng như nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam và hệ thống ngân  hàng.

Năm 2018 được đánh giá là năm thành công của ngành ngân hàng khi ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng; thứ hai lãi suất tỉ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỉ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế và một phần trong nước. Từ đó đã góp phần quan trọng trong nâng hạng tín nhiệm quốc gia qua đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Cụ thể, tháng 8/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ “ổn định” lên "tích cực” phản ánh những cải thiện về chất lượng tài sản (chủ yếu do tiến trình xử lý nợ xấu diễn biến tích cực), thanh khoản ổn định, lợi nhuận của nhiều ngân hàng ổn định.

Mới đây nhất, vào ngày 5/4/2019, tổ chức tín nhiệm quốc tế Standara&Poors (S&P) đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng ổn định, đồng thời khẳng định mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức "B”. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm (từ năm 2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã quyết định tăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng Việt liên tục được tăng mức xếp hạng uy tín - ảnh 1
 Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.
Đánh giá về kết quả này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: Bức tranh vĩ mô từ năm ngoái tới nay các tổ chức quốc tế đều nâng hạng Việt Nam dựa vào 5 tiêu chí để xem xét. Đó là: Tăng trưởng kinh tế; tăng thu nhập bình quân đầu người; thể chế; hệ thống tài chính NH; một số yếu tố khác như chính trị, độ mở kinh tế, sức chống chọi với cú sốc bên ngoài.
Chúng ta đạt được 4 điểm tốt và S&P đã nâng hạng: Kinh tế năm ngoái và năm nay tăng trưởng tốt, dự kiến khoảng 6,7% trong năm nay; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 6%, cao hơn so với những nước đang xếp hạng tương tự chúng ta. Về tài khoá và tiền tệ đã có tiến triển, nợ công, nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát.
Về hệ thống ngân hàng, đểm sáng là chính sách tỉ giá tương đối ổn định trong 3 năm qua và năm nay, dự trữ ngoại hối tăng tích cực trong thời gian qua, nâng cao uy tín của đồng nội tệ. Ngoài ra, cán cân vãng lai tốt, thu hút FDI liên tục.
Tuy nhiên, thể chế có nhiều cải tiến nhưng còn nhiều rào cản, đặc biệt là thuế, hải quan và thủ tục phá sản. Bên cạnh đó, hệ thống tài khoá nợ nước ngoài kiểm soát nhưng vẫn còn cao so với quy mô nền kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với hệ thống ngân hàng, nợ xấu của chúng ta tích cực, nhưng vẫn còn cao, dù có nghị quyết 42 nhưng vẫn còn vướng mắc. Hơn nữa, an toàn vốn cũng là vấn đề. Vốn của chúng ta tăng trưởng không tương ứng với nền kinh tế, do đó, cần quan tâm tăng vốn cho ngân hàng thương mại.
Hệ thống ngân hàng Việt liên tục được tăng mức xếp hạng uy tín - ảnh 2
 Các ngân hàng cần tìm mảng cạnh tranh thế mạnh để tạo sự khác biệt.
Không chỉ tăng hạng ở mức tín nhiệm quốc gia, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc ngân hàng HSBC, Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ông Hải cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận định Việt Nam là điểm sáng đầu tư FDI, nhờ thành quả điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có tỉ giá. Bên cạnh đó, cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã thông minh hơn rất nhiều, tận dụng truyền thông và các biện pháp kỹ thuật.
Thông thường những năm trước đây, Ngân hàng Nhà nước giữ tỉ giá cố định, nhưng nay đã linh hoạt và điều chỉnh ngay, tạo niềm tin thị trường. Khi có biến động thị trường thế giới, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định nên cách điều hành phải ổn định, thống nhất, tránh tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ trong tương lai.
Do vậy, ông Phạm Hồng Hải cho rằng: Ngân hàng Việt may mắn vì đang ở trong tiềm năng thị trường tốt. Nhiều ngân hàng nước ngoài đang xếp hàng xin phép mở chi nhánh thâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, để có những ngân hàng có quy mô trong khu vực không nhiều. Các ngân hàng đang có khăn trong định vị và có quy mô khác nhau, hiện chủ yếu theo chiến lược cạnh tranh về giá chứ không theo sự khác biệt. HSBC đã bán một số mảng và tập trung vào một số mảng. Do đó, các ngân hàng cần tìm mảng cạnh tranh thế mạnh để tạo sự khác biệt. Nếu không nhìn nhận thực tế vấn đề của các ngân hàng sẽ khó phát triển.