Hiện tượng ngừng việc tập thể tại khối FDI có xu hướng tăng
Số cuộc ngừng việc tập thể tại DN FDI chiếm 78,4%
Theo ông Hiểu, năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, tại 39/63 tỉnh, thành phố trên cả nước xảy ra 454 cuộc ngừng việc tập thể, đình công. Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra tập trung ở các các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Tây Ninh, Tiền Giang xảy ra 290 cuộc, chiếm 63,88%; các tỉnh, thành phố phía bắc tập trung vào TP. Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang.
Số cuộc ngừng việc tập thể năm 2017 tăng khá cao so với năm 2016 (tăng 41 cuộc), xảy ra tập trung trong tháng 01/2017 (87 cuộc, tăng 41 cuộc so với tháng 01/2016). Trong đó, có một số tỉnh có số cuộc ngừng việc tập thể tăng đột biến như Bình Phước xảy ra 19 cuộc, tăng 15 cuộc; Thanh Hóa 14 cuộc, tăng 8 cuộc; Vĩnh Phúc 9 cuộc, tăng 5 cuộc; Thái Bình 12 cuộc, tăng 6 cuộc so với năm 2016. Kiên Giang năm 2016 không xảy ra ngừng việc tập thể, nhưng năm 2017 xảy ra 3 cuộc. TPHCM xảy ra 41 cuộc, giảm 13 cuộc; Đồng Nai 22 cuộc, giảm 10 cuộc; Hải Phòng 7 cuộc, giảm 7 cuộc; Long An 21 cuộc, giảm 4 cuộc so với năm 2016.
Số cuộc ngừng việc tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng. Trong số 454 cuộc, doanh nghiệp FDI xảy ra 343 cuộc, chiếm 78,4% (trong khi tính riêng năm 2017 chỉ chiếm 74%); còn lại là của các doanh nghiệp dân doanh. Doanh nghiệp nhà nước không xảy ra cuộc ngừng việc tập thể nào.
Trong số 343 cuộc, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc xảy ra 151 cuộc, chiếm 44,02%; Đài Loan (Trung Quốc) xảy ra 82 cuộc, chiếm 23,91%; Trung Quốc lục địa xảy ra 35 cuộc, chiếm 10,2%; Nhật Bản xảy ra 17 cuộc, chiếm 4,96%; số còn lại là của các nước khác.
Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu của các cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc đan xen tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích mà nổi bật là những nguyên nhân liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động như nợ lương hay không điều chỉnh lương tối thiểu, trả lương không đúng quy định, không theo HĐLĐ hoặc trừ thu nhập trái pháp luật.
Cùng với đó là do tăng định mức lao động để giảm tiền lương cho người lao động, vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nợ BHXH, không đóng BHXH, điều kiện lao động khắc nghiệt, ban hành nhiều quy định trái pháp luật, đối xử thô bạo…
Các cuộc ngừng việc đầu tháng 6/2018 do tác động bên ngoài
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, từ đầu tháng 6/2018 có tình trạng nhiều công nhân ở các địa phương tụ tập, ngừng lao động. Các cuộc ngừng việc này không liên quan đến quan hệ lao động mà do tác động từ bên ngoài - những người không thiện chí xúi giục, kích động, làm xấu môi trường đầu tư.
“Dù sự việc không gây thiệt hại về người và máy móc, nhà xưởng nhưng chủ các doanh nghiệp hết sức bức xúc vì việc sản xuất kinh doanh bị xáo trộn. Nhiều doanh nghiệp không hiểu vì sao người lao động bỏ việc”, ông Hiểu chia sẻ.
Để xử lý kịp thời tình trạng trên, các tổ chức công đoàn đã hết sức nỗ lực động viên người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông gửi tin nhắn kêu gọi người dân, công nhân lao động không tham gia tụ tập đông người, không ngừng việc, cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng.
Đến nay, hầu hết NLĐ tham gia tụ tập, ngừng việc đã đi làm trở lại. Nhiều người sau đó ân hận với hành động bột phát, chạy theo đám đông và không hiểu biết của mình đã ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp đang trả lương cho mình, ông Hiểu cho biết.