Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán

14:06 | 15/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 15/11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP.
Sau 8 năm được khởi xướng và đàm phán, sáng 15/11  FTA lớn nhất thế giới chính thức được ký kết dưới sự chủ chì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP.
 

RECP chính thức được ký kết

 

Lễ ký diễn ra trực tuyến, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Đúng 11h45, Bộ trưởng Bộ Thương mại Brunei là người đầu tiên ký vào Hiệp định. Các Bộ trưởng tiếp tục ký lần lượt theo thứ tự bảng chữ cái. Việt Nam là nước cuối cùng. Sau đó, 5 đối tác của ASEAN, bắt đầu là Australia và cuối cùng là New Zealand ký hiệp định.
 
Tham dự Hội nghị có 10 nước ASEAN và các nước Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Tổng Thư ký ASEAN tại các điểm cầu.
 
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán - ảnh 1
 
Phát biểu sau lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ để chuẩn bị cho một giai đoạn hợp tác kinh tế - thương mại mới. Song song với quá trình ASEAN đẩy mạnh xây dựng cộng đồng kinh tế, các nước đối tác cũng luôn đồng hành cùng ASEAN để xây dựng một khu vực năng động, ổn định, thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai nhưng cũng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước trong khu vực.
 
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán - ảnh 2
Lỹ ký kết RCEP được ký kết bằng hình thức trực tuyến
 
Với cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Lãnh đạo các nước ASEAN và các nước Đối tác, đến Ngài Tổng Thư ký ASEAN đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua.
 
Thủ tướng cũng xin thay mặt Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP gửi lời chúc mừng tới các Bộ trưởng kinh tế, các nhà đàm phán, các cán bộ Ban Thư ký ASEAN đã nỗ lực không ngừng nghỉ để có được kết quả hôm nay.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng Hiệp định RCEP sẽ sớm được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân và doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.

Mặc dù từ cuối năm 2019, Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định để bảo hộ thị trường trong nước và đến nay các nước thành viên vẫn để ngỏ cho sự quay lại của quốc gia có dân số đứng thứ 2 thế giới này, tuy nhiên 15 quốc gia tham gia của khối thương mại tự do này vẫn chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước của toàn cầu.

Do đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu hay Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada. Đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới và không có sự tham gia của Mỹ.

 

FTA lớn nhất thế giới

 

Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). Đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) với trình độ phát triển kinh tế khác nhau là việc không hề dễ dàng. 
 
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán - ảnh 3
Dân số và GDP,PPP của các nước RCEP (theo Ngân hàng Thế giới)
 
Hiệp định RCEP sau khi ký kết và thực thi sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn, với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 tỉ USD, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu và là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại.
 
Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và mua sắm của chính phủ.
 
Để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Các nhà lãnh đạo của RCEP cho biết hiệp định là mở và toàn diện. RCEP theo đó vẫn để mở cho Ấn Độ - quốc gia đã rút khỏi trong quá trình đàm phán - gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia. Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện.
 
RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều rủi ro, bất định. Ngoài ra, hiệp định sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp.., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
 
Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
 
 
Nguyễn Dung(t/h)
https://doanhnhanvn.vn/tags/hiep-dinh-rcep-93383.tag