Hiệp định EVFTA: Hàng rào thuế quan không phải là tất cả
19:17 | 01/07/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tính đến nay, Việt Nam đã kí 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có cả những FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là hiệp định có vai trò rất quan trọng, có tiêu chuẩn cao và toàn diện.
Theo đó, EVFTA có ý nghĩa sâu sắc và tạo sự khác biệt so với các FTA khác. Đó là yêu cầu mở cửa thị trường khi mà gần như 100% dòng thuế sẽ được hưởng cắt giảm thuế quan trong vòng bảy năm.
Tuy nhiên, việc tham gia vào hiệp định không chỉ là bức tranh màu hồng mà doanh nghiệp (DN) còn phải đối diện với rất nhiều thách thức từ một thị trường khó tính nhất thế giới.
Để làm rõ hơn về những thách thức này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bên lề cuộc tọa đàm: “Đối thoại về Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): Cơ hội cho các doanh nghiệp”.
Thưa Bộ trưởng, Hiệp định EVFTA vừa được ký kết sẽ mở ra con đường phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam. Vậy ông đánh giá như thế nào về những cơ hội cũng như thách thức đến từ hiệp định này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, ký kết thành công EVFTA là chúng ta đã xây dựng thành công "đường cao tốc hướng Tây”, có quy mô lớn để kết nối DN Việt Nam thị trường châu Âu.
Đây là hiệp định thế hệ mới, yêu cầu cao và có tính toàn diện từ lĩnh vực truyền thống đến phi truyền thống và đặc biệt có nhiều vấn đề rất mới như: mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả… Trước hết có thể thấy, EVFTA sẽ giúp nước ta có động lực để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách thể chế trong nước và nâng cao vị thế cũng như năng lực cạnh tranh trên quốc tế. Bên cạnh đó, hiệp định sẽ là nền tảng quan trọng để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế đa phương hóa, đa dạng hóa.
Ở một khía cạnh quan trọng khác, EVFTA sẽ mở cửa cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang EU, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu nước ta vào thị trường đầy tiềm năng này, với giá trị gia tăng cao hơn và mở cửa cho dòng chảy đầu tư mới vào nước ta với chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, EVFTA cũng đặt ra vô vàn thách thức cho Việt Nam, khi nhìn nhận về “sân chơi” này không chỉ đơn giản là các cơ hội về dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Mặc dù Việt Nam có những lợi thế nhưng để thâm nhập vào thị trường châu Âu thì hàng rào thuế quan không phải là tất cả. Điều đó có nghĩa là còn rất nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng: từ thể chế chính sách cho đến an ninh, môi trường, lao động… và quan trọng nhất là năng lực nội tại của cộng đồng DN.
Bên cạnh những thuận lợi mà hai hiệp định này mang lại thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với EVFTA, cơ hội và lợi thế mang đến cho DN Việt Nam được nhìn thấy rõ ràng. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn nên chúng ta không thể chủ quan, ảo tưởng.
Hiện cộng đồng DN của Việt vẫn chủ yếu là DN nhỏ và vừa với số lượng lên tới hơn 97%. Điều đó có thể nhìn thấy các hạn chế của DN này về năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ và quy mô, tín dụng, nguồn lực, đội ngũ nhân lực, công tác xây dựng thương hiệu cũng như khả năng tiếp cận với các thị trường đều còn rất nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, khi chúng ta là đối tác của một nền kinh tế hàng đầu với tổng GDP lên tới hơn 18 nghìn tỷ USD cùng với trình độ phát triển hàng đầu trên thế giới. Rõ ràng đây là một cuộc chơi đặt ra rất nhiều thách thức lớn cho cộng đồng DN Việt.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay mặc dù chúng ta có những lợi thế nhưng để thâm nhập vào thị trường châu Âu thì hàng rào thuế quan không phải là tất cả dù việc cắt giảm thuế quan đã tạo điều kiện cho DN những bước đi cơ bản. Tuy nhiên với những chuẩn mực và nhữn đòi hỏi rất cao của EU liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch động thực vật. Đặc biệt trong vấn đề phát triển bền vững, EVFTA đòi hỏi sản phẩm của DN đáp ứng về điều kiện, chuẩn mực lao động và môi trường lao động…
Cùng với đó, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng như những xung đột thương mại trên thế giới những tác động của nó đến việc thực thi hiệp định EVFTA đòi hỏi năng lực của DN trong việc chủ động tiếp cận hiệp định. Ở khía cạnh khác, EVFTA còn đặt ra rất nhiều thách thức trong thương mại phân phối bán lẻ trong nước và cả một số ngành sản xuất. Áp lực cạnh tranh đang đến và mang lại những áp lực rất cụ thể cho từng ngành hàng và từng sản phẩm của từng DN, từng người sản xuất.
Tuy nhiên, nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận rõ là một khi đã chấp nhận vào một cuộc chơi lớn ở quy mô lớn, nếu vượt qua được thì chắc chắn chúng ta sẽ có đủ sức để tham dự bất kỳ một hình thức hay quy mô nào trong hội nhập thế giới.
Vì vậy, để khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và IPA, vấn đề quan trọng đầu tiên là DN cần tập trung tìm hiểu, tiếp cận và nắm bắt một cách toàn diện nội dung hiệp định. Bên cạnh đó, DN phải chủ động tiếp cận những chương trình của Chính phủ để phối hợp thực thi tốt hiệp định này.
Thưa Bộ trưởng, có thể nói rằng, từ quá trình từ đàm phán cho đến ký kết hiệp định EVFTA, Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn. Xin ông chia sẻ về câu chuyện này. Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có những nỗ lực như thế nào để thúc đẩy hiệp định đến đích cuối cùng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong quá trình đàm phán ký kết vừa qua, Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn và nhiều công đoạn phức tạp để đạt được thỏa thuận, nhất là về các thủ tục pháp lý để EU phê duyệt và ký kết hiệp định.
EU là khối cộng đồng gồm 28 nước thành viên và bản thân lợi ích, yêu cầu của các nước thành viên này trong việc đàm phán cũng như tính pháp lý của các thủ tục để phê chuẩn cũng có những nội dung và yêu cầu rất khác nhau.
Vấn đề mà EU rất quan ngại và quan tâm trong quan hệ với Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc kết thúc đàm phán và ký kết, mà còn muốn VN sẽ là một đối tác có đủ năng lực, điều kiện để thực thi hiệp định EVFTA ở tinh thần cao nhất.
Chính vì vậy có hàng loạt các vấn đề EU nêu lên trong quá trình xem xét và phê chuẩn, từ yếu tố về điều kiện môi trường, lao động cho đến yếu tố phát triển bền vững cho nông nghiệp. Ví như, việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp; khai thác gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp… Tất cả những vấn đề đó có những lúc đã trở thành những trở ngại tưởng chừng như rất khó khăn để vượt qua.
Đến nay EVFTA sẽ còn phải trải qua tiến trình phê chuẩn vào cuối năm 2019 và IPA phải được nghị viện các quốc gia thành viên EU phê duyệt riêng. Do đó, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để đạt được kết quả cuối cùng là đưa các hiệp định này vào thực thi.
Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chỉ đạo rất nhất quán, kịp thời của Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành trong thời gian qua, chúng ta vững tin EVFTA sẽ nhanh chóng đi đến đích cuối cùng và chúng ta sẽ đạt được hiệu quả thực sự mà EVFTA hướng tới.
Hiện Bộ Công thương đang hoàn thiện chương trình hành động tổng thể, kế hoạch tổ chức thực thi hiệp định. Song song với đó, Bộ Công thương đang tiếp tục thực hiện tuyên truyền hiệp định sâu rộng trong cả nước.