Hiệp định RCEP: Thêm cánh cửa cho doanh nghiệp Việt tiến vào 'sân chơi' quốc tế

Đông Bắc 07:00 | 23/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022 mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp Việt Nam.

RCEP là hiệp định thương mại tự do gần nhất có hiệu lực của Việt Nam. Các nền kinh tế thành viên của Hiệp định RCEP bao gồm cả các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc cho đến các thị trường nhỏ hơn như Brunei, Campuchia, Lào. Giới chuyên gia nhận định việc tham gia RCEP sẽ là cơ hội cho Việt Nam để thúc đẩy kim ngạch thương mại và tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Sân chơi" quốc tế thêm rộng mở

Hiệp định RCEP hướng tới loại bỏ gần 90% thuế quan trong vòng 20 năm, thông qua giảm thuế và áp dụng các quy tắc xuất xứ thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuỗi cung ứng quốc tế gắn liền với thương mại trong khu vực.

Chẳng hạn, Việt Nam đang áp dụng mức thuế cao đối với các linh kiện động cơ, sản phẩm từ động vật... Tuy nhiên, khi tham gia RCEP, thuế đối với các sản phẩm như vậy sẽ giảm đáng kể từ nay đến năm 2035. Trong khi đó, một số mặt hàng mà Việt Nam được hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan là thực phẩm và đồ uống, xăng dầu, sản phẩm than và thịt.

Doanh nghiệp Việt không chỉ hưởng lợi từ nội dung cắt giảm thuế quan mà còn có thể tìm kiếm cơ hội thông qua các quy tắc thuận lợi thương mại với các nước thành viên. Việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan và hình thành nên các quy tắc xuất xứ chung sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận khối thị trường rộng lớn này.

Thông qua các quy tắc xuất xứ chung, doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm từ nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu từ các thành viên RCEP và bán thành phẩm cho các thành viên RCEP với mức thuế và chi phí giảm thiểu đáng kể. RCEP do đó mở ra cơ hội cho phép các sản phẩm của Việt Nam tiến vào các thị trường cao cấp như Úc, New Zealand và Nhật Bản dễ dàng hơn.

Nhìn chung, giới chuyên gia khẳng định RCEP là Hiệp định thương mại quan trọng với Việt Nam cũng như các nước thành viên, vì nó thiết lập nên một khối thị trường chung với quy mô 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Cơ hội và bài toán cạnh tranh 

Bên cạnh những mặt thuận lợi, Hiệp định RCEP cũng tiềm ẩn rủi ro làm tăng sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. 

Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp định RCEP cũng kéo theo một số rủi ro về thương mại như nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng thích ứng với những quy định ở từng thị trường. RCEP cũng yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, khi thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc nên việc ứng phó với các rào cản, quy định mới là không dễ. Tuy nhiên, thông qua RCEP, doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội và đối diện với thách thức để nâng tầm giá trị cũng như mức độ tự chủ của doanh nghiệp trong sân chơi thế giới. Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm qua làm nổi bật tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn nguyên liệu.

“Doanh nghiệp cần tìm cách thích nghi với thị trường trong RCEP theo năng lực và khả năng của mình để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường. Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, cũng như tận dụng nhanh cơ hội được chuyển giao công nghệ từ các đối tác một cách bài bản như Nhật Bản, vì nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của Nhật Bản sẽ thỏa mãn điều kiện xuất khẩu tại nhiều thị trường khác”, ông Dương khuyến cáo.

Ngoài ra, trong "sân chơi RCEP", doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác, nhất là việc chưa nắm rõ các tiêu chí và điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi.

Đề cao quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong RCEP, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý, để được hưởng ưu đãi trong RCEP, các mặt hàng xuất khẩu phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, thông qua các giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa.

“Nhiều doanh nghiệp không chứng minh được tỷ lệ xuất xứ theo quy định do chưa thu thập đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trong quá trình mua đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, do đó không được hưởng mức thuế ưu đãi. Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ RCEP còn bị ảnh hưởng bởi chi phí tuân thủ quy tắc xuất xứ”, bà Hương cho biết.

Nhìn chung, hiệp định RCEP sẽ đặt ra mức độ cạnh tranh cao hơn cho doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn cả trong lĩnh vực dịch vụ, do mức độ bảo hộ của hàng hóa giao dịch trong khối giảm. 

 

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN.

Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.