Đi lên từ rác, nữ doanh nhân gốc Việt nay có cơ ngơi triệu đô
Mới đây, cái tên Le Ho thu hút giới truyền thông Úc khi "tiến công" lĩnh vực bất động sản với thương vụ mua lại khách sạn Jolly Knight với trị giá 5,9 triệu AUD. Việc mua lại chuỗi khách sạn 46 phòng ở New South Wales đánh dấu một hành trình đáng kinh ngạc của nữ doanh nhân gốc Việt, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin.
Ý tưởng "điên rồ" và trái ngọt từ 18 tiếng làm việc mỗi ngày
Le Ho theo gia đình từ Việt Nam sang Úc khi cô chỉ mới 18 ngày tuổi. Đến nay, khi bước sang tuổi 42, người phụ nữ gốc Việt đã gây dựng được tiếng tăm trong giới doanh nhân Úc với biệt danh “nữ hoàng rác” và điều hành một công ty quản lý rác thải trị giá 10 triệu USD.
"Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi nói với tôi rằng tôi cần phải chăm chỉ học hành, vào đại học, lấy một tấm bằng và tìm một người chồng để chăm sóc tôi suốt đời. Nhưng khi lớn lên, tôi nhìn thấy nhiều cơ hội ở nước Úc. Tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì một người đàn ông có thể làm, tôi cũng có thể làm được”, Le Ho nói.
Lửa kinh doanh đã ăn sâu vào máu của Le Ho từ khi cô còn rất trẻ. Cô khởi nghiệp từ năm 20 tuổi với một cửa hàng áo cưới. Trong 6 năm sau đó, Le Ho đã phát triển thương hiệu này thành chuỗi 6 cửa hàng. Nhưng khi thương mại điện tử dần thay đổi phương thức kinh doanh và tiêu dùng, Le Ho dần nhận ra cô không thể tiếp tục duy trì mảng kinh doanh áo cưới. Người phụ nữ bắt đầu trăn trở tìm một cơ hội làm ăn mà thị trường luôn có nhu cầu bất chấp sự biến động của nền kinh tế và thời đại.
Năm 2010 là lần đầu tiên chị đến Capital City, một công ty quản lý rác thải, để giám sát công ty cho một người bạn phải đi công tác nước ngoài. Lúc ấy, Capital City đang lỗ khoảng 20.000 USD mỗi tháng và trên bờ vực bị đóng cửa. Bất chấp khó khăn và rủi ro, Le Ho đồng ý mua lại Capital City với giá 50.000 USD.
Ngay trong tháng đầu tiên, cô đã xoay sở để hòa vốn. Trong nỗ lực tối thiểu hóa chi phí, người phụ nữ nhỏ bé tìm cách đảm nhận tất cả các vai trò trong công ty từ việc đi gom rác, quảng bá dịch vụ cho đến lái xe tải. Cô cũng phải tìm cách cân bằng giữa gia đình và công việc kinh doanh, bởi khi Le Ho tiếp quản Capital City, con trai cô chỉ mới 6 tháng tuổi.
Thời điểm đó, tất cả công việc kinh doanh được Le Ho điều hành từ chiếc ô tô của mình. Cô bắt đầu một ngày lúc 6 giờ sáng bằng việc đi thu gom rác thải, sau đó thay quần áo để họp và tìm kiếm khách hàng mới. Buổi tối, cô dành thời gian để đọc sách và gửi email. Le Ho nhớ lại, 12 tháng đầu tiên là là khoảng thời gian cô làm việc 18 giờ mỗi ngày không ngưng nghỉ.
Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, Le Ho nhận ra thách thức lớn nhất là định kiến của mọi người rằng quản lý rác thải là ngành công nghiệp do nam giới thống trị. Nhiều đối tác thậm chí không muốn hợp tác với Le Ho chỉ vì cô là phụ nữ. Tuổi đời còn trẻ, lại làm chủ một doanh nghiệp quản lý chất thải, Le Ho phải thường xuyên làm việc với những đối tác nam ở độ tuổi 50 - 60, những người đã làm việc trong ngành từ 30 đến 40 năm. Giới trong ngành thậm chí còn đánh cược với nhau rằng liệu Le Ho sẽ bám trụ được bao lâu.
Với Le Ho, những suy nghĩ ấy không những không cản bước mà còn tạo động lực để cô kiên định chinh phục mục tiêu của mình. Đó là sức mạnh để mỗi ngày Le Ho lên xe tải lúc 6 giờ sáng và làm việc đến tận đêm muộn. "Rất nhiều người không muốn hợp tác với tôi, họ nghĩ rằng tôi sẽ không trụ được. Điều đó càng khiến tôi phải chứng minh tôi là ai và có khả năng ra sao", Le Ho khẳng định.
Nhiều người nghĩ rằng Le Ho thật điên rồ khi mua lại một công ty xử lý rác thải trên bờ vực phá sản, nhưng Le Ho tin mình đã lựa chọn đúng đắn. Theo phân tích của IBISWorld, định giá dịch vụ thu gom chất thải rắn là 6,2 tỷ USD cho năm 2015-2016 và dự đoán tăng trưởng hàng năm là 3,8% trong tương lai.
Sau 5 năm điều hành Capital City, Le Ho đã đưa công ty trở thành "đế chế" xử lý rác thải có giá trị hàng triệu USD. Sau này, cô đã bán lại Capital City với giá 7,4 triệu USD để có thể dành thêm thời gian cho gia đình.
Lời khuyên cho giới trẻ: Hãy cứ làm đi, hãy cứ điên đi
Gửi lời khuyên đến giới trẻ, Le Ho nói: "Thế hệ mới đang năng động hơn. Họ có quyền lựa chọn cuộc sống của họ, từ kết hôn cho đến công việc. Nếu bạn đam mê kinh doanh, hãy cứ làm đi”.
“Cứ 10 người bạn nói chuyện sẽ có 9 người nghĩ rằng tôi bị điên”, nữ doanh nhân người Úc chia sẻ thêm, “Nhưng tôi đã kiên trì và bền bỉ với mục tiêu của mình. Những gì tôi đã trải qua chứng minh rằng nếu bạn làm bằng cả trái tim, theo đuổi đam mê của mình thì bạn không bao giờ phải vất vả làm việc một ngày nào trong cuộc đời”.
"Cứ làm đi và đừng suy nghĩ nhiều. Nếu thất bại, bạn sẽ được những bài học giá trị, còn nếu thành công, điều đó thật tuyệt vời. Hãy nghĩ về những gì có thể nhận được từ mỗi lần thất bại. Hãy coi mỗi lần thất bại như một lần luyện tập, luyện tập càng nhiều bạn sẽ càng trở nên tuyệt vời hơn. Tôi bắt đầu từ con số 0 và bạn cũng hoàn toàn có thể như vậy. Chẳng có gì để mất cả”, Le Ho khẳng định.