Hỗ trợ smartphone giá rẻ, đảm bảo tất cả người dân đều có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập internet

21:44 | 09/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, đã có chương trình hợp tác giữa nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại trong nước để chào bán điện thoại thông minh giá từ 600.000-700.000 đồng/chiếc nhằm hỗ trợ chuyển đổi số.
Sáng nay (9/11), Quốc hội tiếp tục chất vấn việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số nghị quyết của nhiệm kỳ khóa XIII. Đây là hoạt động chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV (diễn ra trong các ngày 6, 9 và 10/11), nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội thời gian qua. Đại biểu chất vấn vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của thành viên Chính phủ nào, người đứng đầu trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.
 
Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về vấn đề chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong đề án chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, chuyển đổi số vùng sâu, vùng xa được ưu tiên.
 
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết một trong những khó khăn trong công cuộc chuyển đổi số là người dân thiếu điện thoại thông minh. Để giải quyết bài toán này, Bộ trưởng cho biết, sắp tới thị trường sẽ có những chiếc smartphone giá 600 - 700 nghìn đồng. Các sản phẩm này là sự hợp tác của các công ty sản xuất điện thoại Việt Nam với một số nhà mạng trong nước, nhằm hỗ trợ giá cho người dân.
 
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ đang chỉ đạo phủ sóng viễn thông cả ở miền núi, vùng sâu vùng xa, để đảm bảo tất cả người dân đều có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập internet. Trong tương lai, người dân các khu vực này có thể thanh toán điện tử mà không cần thẻ ngân hàng, nhờ Mobile Money. Chương trình sẽ được thí điểm trong năm nay.
 
"Bà con những khu vực này gặp khó khăn là không có điện thoại thông minh. Hiện nay đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ, bán điện thoại thông minh giá từ 600 - 700.000 đồng", Bộ trưởng Hùng nói.
 
Bộ trưởng cũng cho biết chuyển đổi số cũng sẽ ứng dụng trong lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa, mở các sàn giao dịch thương mại điện tử… Bộ cũng đã triển khai thí điểm một số xã thông minh. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ tổng kết các chương trình thí điểm để nhân rộng.
 
Hỗ trợ smartphone giá rẻ, đảm bảo tất cả người dân đều có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập internet - ảnh 1
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
 
Ý tưởng phổ cập smartphone giá rẻ cho người Việt được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra từ tháng 3 năm nay. Mức giá này sẽ được triển khai thông qua việc sản xuất smartphone Việt Nam giá từ 45 đến 50 USD, kết hợp cùng việc trợ giá từ nhà mạng, nhà sản xuất và các đơn vị cung cấp ứng dụng dịch vụ để đưa giá xuống còn khoảng 20 USD.
 
Mới đây, Cục trưởng Viễn thông Hoàng Minh Cường cho biết Chính phủ đã đề nghị đổi đề án tắt sóng 2G do Bộ TT&TT đề xuất thành đề án phát triển smartphone giá rẻ. Việc phổ cập được smartphone cũng tạo điều kiện để "nhà mạng có thể tắt sóng 2G, khi số thuê bao sử dụng công nghệ này còn dưới 5%".
 
Hiện Việt Nam có khoảng 24 triệu thuê bao 2G, theo báo cáo của Cục Viễn thông. Sau khi phân tích và trừ đi lượng thuê bao 2G được người dùng cho máy phụ (vốn đã có smartphone), lượng người dùng chỉ sử dụng duy nhất điện thoại "cục gạch" là khoảng 12,4 triệu.
 
Việc phổ cập điện thoại thông minh, điện thoại có 4G sẽ góp phần vào công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt là vùng sâu vùng sa. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là khu vực được ưu tiên. "Với chuyển đổi số, những nơi càng khó khăn, chuyển đổi số sẽ càng hiệu quả", ông Hùng nói.
 
Tiếp theo là vấn đề y tế, ở vùng sâu, vùng xa rất ít bác sĩ nên hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai cho bà con. Cùng với đó là mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để bà con bán được nải chuối, quả cam đã sẵn sàng.
 
Vừa qua, Bộ cũng đã triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa với các nội dung nói trên. Dự kiến cuối năm nay sẽ sơ kết các chương trình thí điểm để nhân rộng.
 
Bộ trưởng dẫn chứng cụ thể một số thành công bước đầu. Thời gian qua, Bộ đã triển khai thí điểm chuyển đổi số trên 10 xã, đặc biệt tập trung các xã miền núi. Một xã ở Bắc Kạn nhờ việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập bà con trong hợp tác xã đã tăng từ 1 - 1,5 triệu thành 3 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Tại Yên Mô (Ninh Bình), nhờ việc ứng dụng phần mềm y tế từ xa để hỗ trợ khám, chăm sóc sức khỏe đã giúp tiết kiệm thời gian đi làm cho bà con, bà con có thể tiếp cận bác sĩ trên toàn quốc.
 
Vẫn là chủ đề chuyển đổi số quốc gia, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng Hùng cho biết giải pháp để hương trình hiệu quả, nhanh chóng đi vào cuộc sống.Bộ trưởng Hùng nói có ba việc cần làm là lập kế hoạch, nâng cao nhận thức và tạo các nền tảng để chuyển đổi số.
 
Hỗ trợ smartphone giá rẻ, đảm bảo tất cả người dân đều có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập internet - ảnh 2
ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa)
 
Sau khi điểm qua ba công tác này ở các ngành, địa phương và trong các doanh nghiệp, Bộ trưởng Hùng thông tin: “Gần đây cứ mỗi Thứ 6 hàng tuần, Bộ tổ chức ra mắt các nền tảng Make in Việt Nam với mục tiêu kép vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa phát triển doanh nghiệp số Việt Nam. Đến nay đã cho ra mắt trên 30 nền tảng số Việt Nam”.
 
Ông nói tiếp: “Cuối cùng để mọi người biết mình đi có đúng hướng không, cũng như biết mình đang ở đâu, Bộ đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ đo đạt công bố xếp hạng các địa phương và các bộ. Các gì đo được thì sẽ quản lý được và thúc đẩy được”.
 
Nguyễn Dung(t/h)