Hòa Phát (HPG): Tín hiệu hồi phục về cuối năm 2022, dự báo triển vọng sáng cho 2023
Cụ thể,sản lượng bán hàng các sản phẩm thép trong tháng 12 đạt 558.000 tấn, tăng 26% so với tháng 11. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 358.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. HRC đạt 144.000 tấn, còn lại là phôi thép.
Lũy kế cả năm 2022, công ty đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021 trong bối cảnh ngành thép nhiều biến động.
Đóng góp chính vào sản lượng bán hàng năm 2022 là mặt hàng thép xây dựng và HRC. Sản lượng bán thép xây dựng ghi nhận 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ và chiếm 59% trong tổng sản lượng thép các loại. Trong đó xuất khẩu đóng đạt gần 1,2 triệu tấn. Sản lượng mặt hàng HRC đạt hơn 2,6 triệu tấn.
Lũy kế cả năm, sản lượng ống thép Hòa Phát đạt gần 750.000 tấn, tăng khoảng 11% so với năm 2021. Mặt hàng Tôn Hòa Phát đạt 328.000 tấn, về lượng giảm 23% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng bán hàng tại thị trường nội địa tăng khoảng 21% so với năm 2021.
Với quy mô công suất 8,5 triệu tấn/năm, HPG đang là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và thuộc Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới, báo cáo của doanh nghiệp cho hay.
Từ năm 2022, công ty triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm, đưa tổng công suất HRC hàng năm đạt 8,6 triệu tấn và năng lực sản xuất thép thô của HPG dự kiến là hơn 14 triệu tấn từ năm 2025, kỳ vọng tiến vào Top 30 Doanh nghiệp thép lớn nhất toàn cầu.
Cũng trong năm, công ty đã sản xuất nhiều mác thép mới, nghiên cứu phát triển các dòng thép chất lượng cao, đặc biệt là các dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh vít, và thép thanh vằn đóng cuộn.
Kỳ vọng phục hồi năm 2023
Trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp hồi cuối tháng 11/2022, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo sản lượng bán các sản phẩm thép của Hoà Phát năm 2023 sẽ đi ngang so với năm 2022 trong giả định hoạt động xây dựng dân dụng trong nước tiếp tục trầm lắng; mặc dù tác động của yếu tố này sẽ điều này sẽ được bù đắp một phần bởi đầu tư công mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, VCSC dự báo biên lợi nhuận của Hòa Phát sẽ phục hồi về 16,7% vào năm 2023 sau khi giảm mạnh trong năm 2022 (dự báo khoảng14,6%) do dự báo chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn và sản lượng bán tăng trưởng mạnh hơn sẽ bù đắp cho dự báo giá bán trung bình thấp.
Qua đó, nhóm phân tích dự phóng Hòa Phát có thể ghi nhận lãi ròng 13.400 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 45% so với dự báo cho năm 2022, nhờ chênh lệch giá đầu ra và giá đầu vào cao hơn và lỗ tỷ giá thấp hơn. Cũng theo đơn vị này, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận ròng của Hòa Phát sẽ đạt 21% trong giai đoạn 2022 - 2027.