Hòa Phát mua mỏ quặng sắt Úc để đảm bảo nguồn cung

15:15 | 31/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Được biết, Australia là quốc gia có nguồn cung quặng sắt lớn nhất thế giới, thương vụ mua lại mỏ quặng trị giá 320 triệu tấn cũng đã được phía Úc chấp thuận.

Thông tin mua mỏ quặng sắt đã được lãnh đạo Hòa Phát "giấu" khá kỹ, có thể do các nguyên nhân từ việc chờ được phê duyệt thủ tục mua.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, thì chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long vẫn còn bỏ ngỏ việc mua quặng sắt tại Úc: "Không dứt khoát phải mua mỏ, chỉ mua thêm để hoàn thiện thêm, việc mua mỏ là thời cơ kinh doanh phải có lợi mới mua".

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, thông tin từ Hòa Phát cho biết đã mua 100% cổ phần của dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của Công ty con tại Úc. Thương vụ mua lại quặng sắt đã được Uỷ ban Đầu tư nước ngoài liên bang Australia (FIRB) đồng ý. 

Hòa Phát mua mỏ quặng sắt Úc để đảm bảo nguồn cung - ảnh 1

Mỏ quặng sắt Roper Valley mà Hòa Phát đã mua. Ảnh: TĐ Hòa Phát

Trữ lượng ước tính của mỏ Roper Valley rơi vào khoảng 320 triệu tấn. Dự kiến, khi hoàn tất giao dịch thì Hòa Phát sẽ đưa vào khai thác với công suất đạt 4 triệu tấn/năm. Bên cạnh Ropper Valley, một vài mỏ sắt khác cũng đang được Hòa Phát nhắm. 

Hòa Phát đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho luyện thép. Việc mua nhiều mỏ quặng tại Úc sẽ giúp nguồn cung ổn định khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ của tập đoàn trong dài hạn (10 triệu tấn/năm). 

Bên cạnh quặng sắt thì than cốc cũng là một nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất gang thép. Do đó, Hòa Phát đang nuôi ý định mua tiếp một vài mỏ than cốc cũng tại Úc để có thể tự chủ nguồn đầu vào của loại nguyên liệu này. Được biết, than luyện cốc hiện chiếm 30% giá thép, và Australia cũng là dẫn đầu về cung cấp loại nhiên liệu này trên toàn thế giới. 

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp với Bộ Công Thương tuần trước, ông Trần Đình Long đã đề nghị Bộ chú ý tới vấn đề nhập khẩu các nguyên liệu thép như quặng sắt, thép cuộn cán nóng HRC của đơn vị trong ngành, trong đó có Hoà Phát.

Trên thực tế, động thái mới này của Hòa Phát cũng xuất phát từ những diễn biến các nguyên liệu tăng phi mã trong thời gian gần đây đã làm giá thép trong nước tăng 40-60%. Việc doanh nghiệp thép không tự chủ được các nguyên liệu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... khiến thị trường trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nước ngoài và cuối cùng dẫn việc giá thép đầu ra không ổn định. 

Hiện Chính phủ đã phải vào cuộc yêu cầu hạ giá mặt hàng này bằng việc đề nghị các doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu, tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Bên cạnh giải pháp mua quặng bên ngoài để tự chủ nguồn nguyên liệu thì Hòa Phát cũng đã mua 2 chiếc tàu biển chở hàng rời cỡ lớn với trọng tải 90.000 tấn. Đây là một giải pháp khác nhằm tối giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu, tối đa hóa cho việc sản xuất và tránh phụ thuộc vào giá nguyên liệu ngoài nước. 

H.S

Xem thêm: Tổng Giám đốc mới vừa được Hòa Phát bổ nhiệm sau đại hội cổ đông là ai?