Hoạt động bán hàng trực tuyến trên toàn cầu tăng vọt trong mùa dịch COVID

13:14 | 27/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại dịch toàn cầu COVID-19 vừa mang đến thử thách cho thị trường thương mại điện tử, nhưng đồng thời cũng là chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi của người tiêu dùng.

COVID-19 gây ra bởi hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể.

Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh đó, dịch COVID-19 cũng có những mặt tích cực khi tạo ra những hành vi tiêu dùng mới có lợi cho mảng trực tuyến.

Hoạt động bán hàng trực tuyến trên toàn cầu tăng vọt trong mùa dịch COVID - ảnh 1

Theo VnExpress, thứ nhất, ngay trong đỉnh dịch, người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.

Minh chứng cho quan điểm này, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Vecom dẫn nghiên cứu của Nielsen tại Việt Nam chỉ ra có đến 35% số người được khảo sát dành nhiều thời gian hơn xem nội dung trực tuyến, 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong 3 tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa thứ 2 của năm 2020.

Các doanh nghiệp này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Cộng hưởng vào cơ hội mới này là cả hai phía đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến.

Không riêng Việt Nam mà trên toàn cầu, doanh số thương mại điện tử đã tăng vọt trong giai đoạn chính phủ các nước tiến hành giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, qua đó buộc người dân ở nhà và phải dựa khá nhiều vào mua sắm trực tuyến.

Số liệu từ báo cáo Chỉ số mua sắm của Salesforce, doanh thu của hoạt động bán hàng trực tuyến trên toàn cầu trong quý II/2020 đã tăng vọt 71% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng truy cập vào các trang thương mại điện tử cũng tăng 37%, tỉ lệ chuyển đổi từ khách truy cập thành khách mua hàng tăng tới 35% và mức chi tiêu của người dùng cũng tăng 34%. Đây đều là những con số kỷ lục dựa trên báo cáo của Salesforce.

TTXVN đưa tin, một số chuyên gia ước tính rằng, người tiêu dùng thường trả lại 15-40% những mặt hàng họ đặt mua trực tuyến, cao hơn hẳn so với mức chỉ 5-10% khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Nếu không cải thiện được nhà bán lẻ sẽ khó có thể trụ vững về dài hạn.

Phó Chủ tịch mảng chiến lược và thông tin ngành công nghiệp tại Salesforce, ông Rob Garf, cho hay, trong 2 quý đầu tiên của đại dịch COVID-19, nhiều nhà bán lẻ không quá quan tâm đến lợi nhuận. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến mức sẵn có của sản phẩm và đưa sản phẩm đến tận nơi ở của người tiêu dùng.

Ông Garf cho hay, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà công ty nhận được từ các khách hàng là doanh nghiệp bán lẻ là làm thế nào để họ duy trì hành vi mua sắm mới này theo cách có lợi.

Ông Michelle Whelan, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty quảng cáo Geometry U.K thì cho rằng để thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhà bán lẻ cần có cách đưa việc mua sắm trực tuyến trở nên "vui vẻ" hơn thông các hoạt động như livestream, sử dụng công cụ thực tế tăng cường (AR) cùng những phương tiện khác.

Về tình hình ở Việt Nam, các chuyên gia cũng đánh giá rằng tác động của dịch bệnh sẽ còn lan tỏa trong giai đoạn nửa cuối năm, mở ra thêm cánh cửa mới cho các sàn thương mại điện tử.

Trong bức tranh tương lai gần, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng, các nhà bán lẻ thương mại điện tử có thể nắm bắt nhóm khách hàng đang đẩy mạnh mua sắm sau thời gian dài gián đoạn hoạt động du lịch, mua sắm bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng không khỏa lấp được nỗi lo về dài hạn. Liệu ngành này có thể duy trì mức lợi nhuận cao hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ...

Lệ Vỹ (t/h)