Hàng Việt tìm lối xuất ngoại trước làn sóng Temu, Shein trên sân nhà

Đức Huy 14:49 | 11/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi thị trường nội địa đứng trước nguy cơ bị “xâm chiếm” bởi hàng hoá giá rẻ Trung Quốc qua Temu, Shein,... nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm kiếm cơ hội lớn hơn ở các thị trường nước ngoài.

Dưới đây là chia sẻ của ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, về các cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam. (Ảnh: Amazon).

Ông đánh giá thế nào về thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam trong thời gian qua? 

Có thể thấy sự gia tăng không ngừng của các đối tác bán hàng Việt trên thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Sự phát triển liên tục không chỉ ở quy mô mà còn là sự đa dạng danh mục sản phẩm và thương hiệu ở nhiều ngành hàng.

Chẳng hạn, theo dữ liệu từ Amazon, trong 5 năm qua (2019 - 2023), số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%. Số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần.

5 năm qua chứng kiến những cải tiến không ngừng, và chúng tôi tin rằng điều này sẽ còn tiếp diễn, với sự tham gia sôi nổi của các nhà bán hàng thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Lần đầu đến Việt Nam trong chuyến công tác vào năm 2017, tôi nhận thấy nhiều nhà bán hàng rất hào hứng về kinh doanh trực tuyến. Nhìn lại sau 7 năm, so với thời điểm đó, chúng tôi ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ không chỉ về quy mô mà còn nhiều chỉ số khác kể trên, và cả chất lượng.

Ban đầu, nhà bán chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đơn giản, tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, hướng đến lợi ích ngắn hạn. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang dần hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn. Họ không chỉ gia tăng doanh thu hay đạt được những con số triệu đô mà còn nâng cao chất lượng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng sang nhiều ngành hàng.

Theo ông, đâu là những lợi thế của các đối tác Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu?

Các đối tác bán hàng Việt Nam có nhiều lợi thế. Việt Nam rất chú trọng xuất khẩu với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sáng kiến, chính sách của chính phủ. Nhiều nhà máy và nhà cung cấp tại Việt Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm xuất khẩu, mang đến lợi thế riêng biệt.

Ngoài ra, còn có một cộng đồng các doanh nhân trẻ thành công không chỉ trên Amazon mà còn trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Những nhà bán hàng này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các động lực của thương mại điện tử.

Ngành sản xuất của Việt Nam cũng thu hút sự đầu tư lớn khi nhiều thương hiệu quốc tế chuyển nhà máy đến đây, thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Sự phát triển này đã góp phần củng cố chuỗi cung ứng và gia tăng năng lực sản xuất trong nước.

Không những thế, năng lực sản xuất không chỉ phục vụ cho những thương hiệu quốc tế lớn, mà đang dần được mở rộng sang các doanh nghiệp nhỏ hơn, đóng góp tích cực vào sản xuất trong nước.

Nhà bán hàng Việt tăng xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử. (Ảnh: Đức Huy).

Những thách thức nào mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu?

Khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, hai thách thức chính mà họ sẽ gặp phải có thể kể đến:

Đầu tiên là quyết định sản phẩm để bán. Điều này không chỉ đòi hỏi các nhà bán hàng có sự thấu hiểu nhu cầu thị trường mà còn cần nắm bắt các quy định của thị trường và sự tuân thủ về sản phẩm, từ đó, có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt về sản phẩm để bán ra thị trường.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải rất linh hoạt để có thể phản ánh nhu cầu của khách hàng trong sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp cần liên tục, linh hoạt và nhanh chóng đọc vị, đáp ứng những thị hiếu mới nhất của thị trường.

Đây là một phần quan trọng, đồng thời là thách thức lớn đối với nhiều người bán chưa quen với tốc độ của thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng và thương mại điện tử toàn cầu nói chung.

Thách thức lớn thứ hai là chi phí. Bán sản phẩm từ Việt Nam sang Mỹ đòi hỏi rất nhiều chi phí, đặc biệt về logistics, vận chuyển đầu vào (inbound shipping) và quản lý tồn kho.

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt khi tiến ra nước ngoài? 

Ngày nay, thị trường vận hành dựa trên nhu cầu hơn là nguồn cung. Trước đây, nguồn cung hạn chế giúp sản phẩm mới dễ dàng thu hút người mua. Hiện tại, với nguồn sản phẩm phong phú, việc thấu hiểu khách hàng mục tiêu và nhu cầu của họ là rất quan trọng. Một sản phẩm đại trà, cơ bản có thể thu hút nhiều người nhưng rốt cuộc lại không làm hài lòng bất kỳ ai.

Để xây dựng một thương hiệu thành công, cần xác định rõ khách hàng mục tiêu và giải quyết được các vấn đề cụ thể của họ. Bằng cách kết hợp sự hiểu biết về thị trường mục tiêu cùng với lợi thế bán hàng (unique-selling-point), các doanh nghiệp có thể thiết lập được bản sắc thương hiệu riêng biệt. Nếu không có sự khác biệt, sẽ rất khó để duy trì hoạt động kinh doanh trên Amazon hay bất kỳ nền tảng nào khác.

Nếu sự thành công ban đầu của nhà bán hàng là nhờ vào sự am hiểu về các nền tảng trực tuyến, họ sẽ sớm đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm tương tự, dẫn đến việc mất thị phần nếu không có yếu tố khác biệt. Do đó, xây dựng thương hiệu là điều cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia một số chương trình gọi vốn trong nước, và họ cũng đang kinh doanh toàn cầu trên Amazon. Nhận định của ông về điều này?

Có thể thấy rằng, nếu trước đây, các nhà khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào các cơ hội trong nước, thì giờ đây đã có sự chuyển biến rõ rệt khi nhiều đơn vị khởi nghiệp nhận ra rằng, mặc dù thị trường nội địa rất quan trọng, nhưng thị trường TMĐT toàn cầu cũng mang đến nhiều cơ hội rộng mở. Đây là một tín hiệu tích cực khi ngày càng có nhiều startup mở rộng tầm nhìn ra thị trường xuyên biên giới.

Trước đây, nhiều nhà khởi nghiệp chưa biết cách đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng toàn cầu hay làm thế nào để thương hiệu của mình bán hàng hiệu quả trên thị trường quốc tế.

Với nguồn lực hạn chế, họ phải thận trọng về nơi để đầu tư, và thường chỉ giới hạn ở thị trường trong nước. Nhưng hiện nay, nhận thức về thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và các hỗ trợ cần thiết để mở rộng ra toàn cầu.