Hoạt động M&A ngành thực phẩm, đồ uống vẫn náo nhiệt bất chấp ảnh hưởng của đại dịch
Sức hút từ thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam đã khiến lĩnh vực thực phẩm đồ uống vẫn nhộn nhịp trong thời gian qua bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19, đặc biệt là hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).
Theo số liệu khảo sát của Vietnam Report, Thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam đang chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (chiếm đến 35% mức chi tiêu).
Nguồn: Vietnam Report
Sức hấp dẫn từ thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam
Nếu so sánh với lĩnh vực bất động sản đã có những thương vụ M&A thành công trong những tháng đầu năm, thì ngành hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, đồ uống cũng không hề kém cạnh khi các doanh nghiệp lớn công bố hoàn tất các thương vụ đình đám.
Theo nghiên cứu của BMI, cơ hội đầu tư cho ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn còn khá lớn, đặc biệt trong ngành đồ uống, thực phẩm chế biến và sữa.
Cụ thể, một thương vụ hoàn tất vào tháng 12/2019 đã thuộc về “ông lớn” Vinamilk, khi chính thức nắm 75% cổ phần của CTCP GTNFoods, qua đó nắm quyền chi phối tại Sữa Mộc Châu.
Mới đây, Công ty cổ phần Masan MEATLife (MML) thuộc Tập đoàn Masan cũng đã công bố khoản đầu tư vào Công ty 3F Việt, một doanh nghiệp nội địa có nền tảng sản xuất thịt gia cầm. Thông qua thương vụ giá trị 613 tỷ đồng, đổi lấy 51% cổ phần, tập đoàn Masan chính thức mở rộng sang lĩnh vực thịt gia cầm.
Theo đánh giá của Tổng giám đốc MML, ông Phạm Trung Lâm, thịt gia cầm đóng vai trò quan trọng thứ hai trong bữa ăn của gia đình Việt. Tuy vậy, thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về năng suất, chất lượng và sản phẩm mới đột phá.
Masan MEATLife cho biết, trong năm nay, 3F Việt đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu, khoản đầu tư hơn 600 tỷ đồng của Masan sẽ dùng để mở rộng kinh doanh và xây dựng thương hiệu thịt gia cầm.
Thịt mát MEATDeli của 3F đáp ứng các Tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát
3F Việt hiện đang sở hữu nền tảng từ con giống, trại ấp, trại thịt, cho đến cơ sở sản xuất và đóng gói quy mô lớn. Nhà máy của công ty này đạt các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng như HACCAP, ISO 22000, hay FSSC 22000.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Hùng Nhơn đã công bố Dự án Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, liên kết với Tập đoàn De Heus của Hà Lan.
Tập đoàn Hùng Nhơn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi ở Việt Nam, đặc biệt là trong chăn nuôi gia súc (heo, bò) và gia cầm (gà thịt, trứng). Trong khi De Heus là thương hiệu toàn cầu có hơn 100 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến về dinh dưỡng động vật.
Tại Việt Nam, De Heus hiện có 9 nhà máy và hệ thống kho trung chuyển hoạt động trên khắp cả nước.
Dự án Tổ hợp khu nông nghiệp này là liên doanh hợp tác nằm trong chuỗi chiến lược phát triển của Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn, có quy mô khoảng 200 ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Cuối cùng, Blue Point cùng Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng gần 13 triệu cổ phiếu của Công ty Sữa quốc tế (IDP) từ nhóm VinaCapital, tăng tỷ lệ sở hữu tại đây lên hơn 80% vốn. Thương vụ này được kỳ vọng viết tiếp tham vọng tạo thế lực mới trên thị trường sữa nội.
M&A được thúc đẩy nhờ Hiệp định thương mại EVFTA
Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp ngoại qua hàng loạt thương vụ M&A giữa doanh nghiệp ngoại và các đơn vị trong nước.
Theo Bộ Công thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Việc những doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích.
Các thương vụ M&A trong ngành thực phẩm đồ uống được dự báo sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới, bất chấp ảnh hưởng của COVID-19
Điển hình là các thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia…
Theo EuroCham, thị trường M&A của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Đại diện EuroCham nhận định, số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng bền vững trong những năm trở lại đây. Dự kiến, M&A còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh EVFTA đã đi vào thực thi.
Ngành chế biến thực phẩm được đánh giá là lĩnh vực chịu tác động thấp nhất bởi là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng hàng ngày. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ M&A trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, đồ uống sôi động vì thị trường đang tạo ra sự thuận lợi cho cả phía cung lẫn cầu.
Việt Nam đang có dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng và tạo ra một thị trường tiêu dùng có mức tăng trưởng tự nhiên ổn định, đặc biệt ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đây là lý do khiến nhiều dự báo về các thương vụ M&A trong ngành này sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới, bất chấp ảnh hưởng của COVID-19.
Hải Yến