Hội đồng Lý luận Trung ương nghe thực tiễn từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Qua chuyến công tác, Hội đồng Lý luận Trung ương mong muốn được nghe từ chính thực tiễn của PVN, trụ cột quan trọng, có đóng góp và vai trò rất lớn trong nền kinh tế, cũng là thời điểm thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu trong đó có cái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tinh thần mới.
Đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế
Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, PVN đã trở thành đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế đất nước, tạo môi trường cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Hằng năm, PVN đều nộp ngân sách nhà nước chiếm tỉ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình là 10-13%/ năm. PVN có tổng tài sản đến 30/06/2018 là 805 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn chủ hữu là 446 nghìn tỷ đồng. Góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước, tạo nguồn ngoại tệ và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và khẳng định chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường.
PVN cũng là lực lượng chủ lực cùng Chính phủ và xã hội thực hiện các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng.
Đảng bộ Tập đoàn PVN được xác định là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn Tập đoàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với nhà nuớc; xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng Tập đoàn, các đoàn thể quần chúng và đội ngũ công nhân vững mạnh; phát huy truyền thống ngành dầu khí, thực hiện “Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam”, “Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam” đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược biển Việt Nam” và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước; giữ vững vị trí then chốt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng uỷ Tập đoàn đã thường xuyên cụ thể hoá các quy định, chủ trương lãnh đạo của Trung ương, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương bằng việc ban hành các nghị quyết (chỉ thị, kết luận), chương trình công tác và thực hiện chỉ đạo thông qua tổ chức đảng và bằng chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên là lãnh đạo các cấp trong Tập đoàn.
Mô hình tổ chức đảng toàn Tập đoàn cùng với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng cấp trên cơ sở ban hành kèm theo Quy định 69-QĐ/TW ngày 13/12/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là nền tảng, thuận lợi lớn cho việc lãnh đạo triển khai đồng bộ, gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác cán bộ và xây dựng Đảng xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Trong năm 2018, Tập đoàn đã từng bước nỗ lực vượt qua bối cảnh khó khăn, tập thể lãnh đạo đoàn kết, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và người lao động; không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm trọng tâm công tác năm 2018 trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu, công tác xây dựng đảng và công tác cán bộ; các khó khăn vướng mắc từng bước được tháo gỡ.
Tái cơ cấu quyết liệt
Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo chủ trương Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/07/2015; nhiều khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn đã được Chính phủ và các Bộ/ngành liên quan tập trung tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời trong thẩm quyền để Tập đoàn tiếp tục phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
“Trong thời gian quan, Tập đoàn đã tái cơ cấu toàn Tập đoàn, quyết liệt trọng chỉ đạo, điều hành và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện tại Tập đoàn còn một số khó khăn lớn xin trân trọng kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ Tập đoàn trong thời gian tới về các nội dung: Đề xuất sửa đổi pháp luật về dầu khí hiện hành để đáp ứng được các yêu cầu của tình hình mới; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí; hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nhất là tại những vùng nước sâu, xa bờ. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Thuế…; xem xét xây dựng cơ chế đặc thù với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị”, ôngTrần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng thời, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành Nghị định về Quy chế tài chính Công ty mẹ - PVN; sớm phê duyệt đề án cơ cấu lại toàn diện PVN và các đơn vị thành viên; chỉ đạo các bộ, cơ quan có liên quan hỗ trợ Tập đoàn tiếp tục cải cách, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp; xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính; chủ động thoái vốn, chuyển nhượng vốn tại các dự án yếu kém, các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối; xử lý hậu quả tài chính trước đây; tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, ưu tiên vốn cho dự án cấp bách; quyết liệt xử lý dự án yếu kém.
Đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hỗ trợ Tập đoàn trong việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực chuyên môn, năng lực quản trị, lý luận chính trị… để đáp ứng yêu cầu ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Truyền thông mạnh mẽ để đồng hành, chia sẻ với PVN
Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và người lao động dầu khí đã vượt qua khó khăn nội tại, quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh PVN luôn khẳng định vị trí quan trọng đặc biệt, trụ cột về kinh tế, an ninh năng lượng, về chủ quyền biển đảo.
“Tiếp thu và ghi nhận các kiến nghị, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu về PVN, tổng kết thực tiễn, sẽ có những ý kiến, đề xuất ở nhiều cấp độ khác nhau, trên các diễn đàn, hội nghị, kể cả trên cương vị cá nhân đồng hành cùng PVN, đồng thời tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí Thư có giải pháp tháo gỡ”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về vai trò và những cống hiến của ngành dầu khí, để dư luận xã hội cùng đồng hành, chia sẻ với PVN; trở lại với đúng vai trò, trị trí của mình, với niềm tin của Đảng và nhân dân dành cho ngành dầu khí.