Hội nghị thượng đỉnh 'Bộ tứ kim cương' sẽ bàn về phương án đối phó Trung Quốc

09:43 | 10/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden dự kiến tham gia phiên họp thượng đỉnh "bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD) gồm lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật và Úc vào ngày 12/3.
Ngày 9/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden dự kiến tham gia phiên họp thượng đỉnh "bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD) gồm lãnh đạo các nước Ấn Độ, Nhật và Úc vào cuối tuần này. Nội dung chính của cuộc họp sẽ là về vấn đề tăng cường hợp tác trước đe doạ an ninh từ Trung Quốc.
 
"Đây là sẽ cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của nhóm QUAD. Tổng thống Biden muốn thông qua sự kiện để nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới đồng minh, đối tác của Mỹ khu vực Ấn Độ Dương" - bà Psaki cho hay, theo hãng tin AFP.
 
Về nội dung cuộc họp, nguồn tin AFP cho biết thêm là ngoài bàn về Trung Quốc thì các lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về nỗ lực chung ứng phó đại dịch COVID-19 ở châu Á, cũng như đề ra các biện pháp thiết thực nhằm củng cố an ninh hàng hải tại và giữ vững khu vực Ấn Độ Dương tự do, rộng mở.
 
Tiết lộ nội dung Hội nghị 'Bộ tứ kim cương' ngày 12/3
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: The Print.
 
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9/3: "Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những vấn đề khu vực và toàn cầu mà các nước cùng chia sẻ lợi ích, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm hướng đến duy trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và bao trùm", Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9/3 thông báo về lịch trình sắp tới của Thủ tướng Narendra Modi.
 
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide đã có cuộc điện đàm ngắn với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. Hai lãnh đạo đã nhất trí siết chặt quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực an ninh kinh tế và tiến tới nâng cấp toàn diện quan hệ bốn bên trong nội bộ QUAD trong thời gian tới.
 
Ông Suga trong cuộc điện đàm cũng đã bày tỏ quan ngại về các động thái đơn phương thay đổi thực trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc gần đây. Trong khi đó ông Modi cũng lo ngại về diễn biến của tiến trình đàm phán tranh chấp biên giới với Trung Quốc.
 
Trong cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng hồi ngày 18/2, các ngoại trưởng thuộc “bộ tứ kim cương" đã nhất trí cùng làm việc để hướng tới "một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
 
Các ngoại trưởng khi đó còn “cực lực phản đối những ý đồ dùng vũ lực và đơn phương thay đổi hiện trạng” Biển Đông và biển Hoa Đông và gia tăng hiện diện quân sự ngoài thực địa của Trung Quốc.

Nhóm QUAD dù không phải một liên minh quân sự hùng hậu như NATO nhưng vẫn được coi là một đối trọng tiềm năng với tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh xem đây là một liên minh chống Trung Quốc hoặc “NATO ở châu Á”.
 
Hợp tác quân sự trong “Bộ Tứ” đã gia tăng trong năm 2020 thông qua các thỏa thuận song phương giữa các thành viên và những cuộc tập trận chung. Tháng 11/2020, Australia đã tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
 
Ý tưởng thành lập "Bộ tứ" được khởi xướng từ năm 1992. Đến năm 2007, với sự tham gia của Australia đánh dấu lần đầu tiên Bộ Tứ tiến hành tập trận với đầy đủ các thành viên.
 
Giới phân tích nhận định, hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa 4 thành viên trong “Bộ Tứ” với Trung Quốc đã gặp nhiều sóng gió suốt những năm vừa qua.
 
Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra đụng độ nghiêm trọng ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya vào tháng 6/2020, khiến nhiều binh sỹ hai nước thiết mạng. Kể từ đó, quan hệ giữa Bắc Kinh và New Dehli trở nên băng giá.

Trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc, Ấn Độ đã đáp trả tương tự như cách Washington đối phó với Bắc Kinh. New Dehli hủy việc cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty của Trung Quốc, áp thuế đối với hàng điện tử Trung Quốc và cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng khác của nước này.
 
Nhật Bản và Trung Quốc leo thang căng thẳng liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông qua luật Hải cảnh gây tranh cãi cho phép lực lượng hải cảnh nước này bắn vào tàu thuyền nước ngoài trong trường hợp họ cho là cần thiết.

Trong khi đó, Australia và Trung Quốc cũng liên tiếp đối đầu trong một loạt tranh chấp thương mại. Chính quyền Tổng thống Biden chưa hề có dấu hiệu thay đổi loạt chính thương mại cứng rắn với Bắc Kinh như thời Trump.
 
 
Hà Ly