Hội nghị trực tuyến với Thủ tướng: DN kiến nghị gì?
Kiến nghị với Thủ tướng về giải pháp không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì đại dịch COVID-19.
Ông Dương đề nghị không nêu trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp để làm mất nhuận khí doanh nghiệp. Các chính sách thúc đẩy kinh tế sau dịch COVID-19 ở các cấp ngành cần tập trung cao điểm quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp như thời gian chống dịch vừa qua.
Riêng đối với Thaco, ông Dương kiến nghị Chính phủ tạo thuận lợi để Thaco xây dựng các dự án logistics cảng biển, hạ tầng giao thông để nâng cao năng lực giảm giá thành, logictics.
Đẩy mạnh Chính phủ điện tử, miễn bảo hiểm xã hội, gia hạn visa và giấy phép lao động
Đại diện cho ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng hai tài sản lớn nhất của ngành dệt may cần phải bảo vệ đó là lao động và vị trí của ngành dệt may ở Việt Nam trên toàn cầu.
Hiện ngành dệt may đang chủ động tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mà các thị trường cần như khẩu trang, bảo hộ y tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành dệt may thời điểm sắp tới là hậu COVID-19 hành vi người tiêu dùng có thể sẽ thay đổi với nhu cầu không cao như trước. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí cho ngành dệt may từ tháng 5 đến hết 2020.
Cùng với đó là sớm có văn bản hướng dẫn các thông tư để hưởng các các lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để các doanh nghiệp dệt may tận dụng.
Ca ngợi thành quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng các phản ứng chống dịch của Việt Nam về y tế cũng như nhanh chống triển khai các gói hỗ trợ đã được quốc tế ghi nhận và mang lại những hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp.
Điều này đã duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Qua đó, ông Nicolas Audier đề xuất Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các thủ tục hành chính điện tử, Chính phủ điện tử.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Funayama Tetsu bày tỏ sự khâm phục đối với Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp hiệu quả chống dịch và có những thành tích đáng nể về kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, xuất siêu...
Khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, ông Funayama Tetsu đề xuất Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục có các chính sách về gia hạn giấy phép lao động, visa... để tạo điều kiện thuận lợi cho các lao động Nhật Bản.
Sớm nối lại đường bay với các nước đã khống chế được dịch để thúc đẩy giao thương
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có sự tương đồng khi đều chịu ảnh hưởng của dịch và có những biện pháp quyết liệt để vượt qua những khó khăn của dịch, khống chế được dịch.
Khẳng định KORCHAM sẽ tiếp tục hỗ trợ thu hút FDI có chất lượng vào Việt Nam vào thời gian tới, ông Hong Sun kiến nghị Việt Nam sớm nối lại đường bay với các nước đã khống chế được dịch như Hàn Quốc để thúc đẩy việc đi lại và giao thương...
Nới lỏng với Lào và Campuchia, các nước có nguy cơ dịch thấp, ưu tiên cửa khẩu đường bộ sớm hơn thuận tiện giao thương sản xuất kinh doanh cũng là đề xuất mà đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đưa ra khi tham dự Hội nghị.