Hơn 200.000 doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm
Sẽ tập trung thanh tra
Bộ trưởng Dung cũng cho biết, vừa qua có thanh tra, nhưng hiệu quả thanh tra và xử lý vi phạm chưa tốt, vẫn còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm. “Tôi đã ký quyết định giao thanh tra tập trung vào 14 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan còn nợ đọng để xử lý. Coi đây là trọng tâm của công tác thanh tra năm 2022”, ông Dung cho hay.
Cũng theo ông Dung, BHXH thực hiện từ năm 1995, nhưng so với thế giới thì “còn non trẻ lắm”. Hiện nay, trên thế giới có 9 loại hình bảo hiểm, còn ở Việt Nam chỉ có 8, thiếu bảo hiểm gia đình.
Theo ông Dung, điều mừng là 8 loại hình bảo hiểm này phát triển tương đối tốt trong những năm qua. Còn lo nhất là 3 nhóm bảo hiểm (hưu trí, thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn bệnh nghề nghiệp) nhưng đến bây giờ đã phát triển tương đối đồng bộ, hiệu quả, có kết dư tương đối tốt.
“Vài năm trước đây lo lắng lớn nhất là vấn đề an toàn quỹ. Nhiều người cứ nói vỡ quỹ, thông tin rất nhiều chiều. Nhưng đến giờ có thể khẳng định, các quỹ là bền vững, thậm chí chúng ta còn dành một lượng tiền rất lớn kết dư để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động”, ông Dung khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, trong bốn tháng qua, tác động của đại dịch rất phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người lao động, người sử dụng lao động. Nhưng do bảo hiểm hoạt động hiệu quả, có tích lũy, chúng ta mới quyết định được 2 chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68.
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc Hội, Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, con số nợ BHXH bắt buộc 11.660 tỷ đồng là đáng báo động. Ông đề nghị Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ BHXH, loại nào do chây ỳ, do dịch COVID-19 (trước, sau dịch), loại nào nợ phá sản, giải thể... để có giải pháp phù hợp.
Khó xử lý hình sự
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Như Ý - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội, về tình trạng chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH, cần đánh giá thêm nguyên nhân công tác phối hợp giữa ngành BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của Liên đoàn lao động tại các địa phương chưa thực sự rõ nét, nhất là công đoàn cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Như Ý cũng cho biết, thời gian qua, tại địa phương của bà, dù công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý rất tốt, song cũng còn nhiều doanh nghiệp vi phạm chế độ, chính sách với người lao động, trong đó có trốn đóng, nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Bà Nguyễn Thị Như Ý đặt câu hỏi: “Phải chăng chế tài xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động còn thấp, thiếu tính răn đe, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận phạt để chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN của người động?”.
Bà Nguyễn Như Ý cũng cho rằng, chế tài quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính, chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Vì vậy, trên thực tế, BHXH và Công đoàn chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố được vụ nào theo điều 216 của Bộ luật Hình sự. Từ thực trạng trên, đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng, tạo cơ sở để tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, số nợ năm 2020 là 11.666 tỷ, tăng nhẹ so với 2019, nhưng số tương đối giảm. Ông cho biết, BHXH Việt Nam đã phân tích kỹ rõ về tuổi nợ dưới 1 tháng, từ 1 tháng đến 5 năm, từ 5 năm trở lên. Từ việc phân tuổi nợ, BHXH Việt Nam cũng đã phân tích các đối tượng nợ, từ đó có phương án đòi nợ cho hiệu quả.
“Năm 2020 tổng nợ là 11.666 tỷ đồng, trong đó có 1.767 tỷ đồng nợ của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản khó thu hồi” - ông Nguyễn Thế Mạnh thông tin.
Cũng theo đại diện BHXH Việt Nam, biện pháp kiến nghị xử lý hình sự đến nay chưa được thực hiện (ngoài một số trường hợp doanh nghiệp chuyển tiền trả nợ trong quá trình điều tra của cơ quan công an). Nguyên nhân là do, việc thực thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng gặp nhiều khó khăn như: báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị, đơn vị không phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu...
Theo Luật sư (LS) Phạm Thị Việt Hà (Đoàn LS TP.HCM), việc các công ty đóng BHXH cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều công ty đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay "trốn đóng BHXH", dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.
Theo LS Hà, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi biết công ty nợ BHXH, trước tiên, người lao động cần thực hiện quyền gửi đơn khiếu nại đến công ty để yêu cầu công ty đóng BHXH bổ sung. Nếu như, công ty vẫn không thực hiện việc đóng bổ sung thì người lao động khiếu nại với Chánh thanh tra Sở LĐTB&XH. Đồng thời, người lao động có thể khởi kiện lên TAND có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
“Trong quá trình buộc công ty thực hiện đóng BHXH bổ sung, người lao động có thể nhờ sự giúp đỡ từ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tức tổ chức công đoàn hoặc luật sư để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình”, LS Hà gợi ý.