Hơn 200 nghìn ha đất sẽ được dành để phát triển bất động sản công nghiệp
Năm 2020, cả nước có 549 khu công nghiệp với diện tích đất khu công nghiệp thực tế đã đưa vào sử dụng là 90,80 nghìn ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp của cả nước, tăng 18,80 nghìn ha so với năm 2010.
Theo Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến năm 2030, sẽ dành khoảng 205,80 nghìn ha làm khu công nghiệp, (trong đó có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp gồm: giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh,...), tăng 115,00 nghìn ha so với năm 2020 (kể cả diện tích 95 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu).
Đất khu công nghiệp được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15,17 nghìn ha (58 khu công nghiệp), tăng 9,97 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 7,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Đồng bằng sông Hồng 52,21 nghìn ha (142 khu công nghiệp), tăng 32,26 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 25,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước;
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 47,93 nghìn ha (111 khu công nghiệp), tăng 30,83 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 23,29% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Tây Nguyên 3,73 nghìn ha (17 khu công nghiệp), tăng 2,18 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 1,81% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Vùng Đông Nam Bộ 59,01 nghìn ha (127 khu công nghiệp), tăng 24,77 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 28,67% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích 27,74 nghìn ha (103 khu công nghiệp), tăng 14,98 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 13,48% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Bộ TNMT sẽ dành hơn 200 nghìn ha đất để làm khu công nghiệp
Theo Dự thảo, việc hình thành các khu công nghiệp trên các địa bàn lãnh thổ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí như: Phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính. Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.
Giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những khu công nghiệp không triển khai, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế bổ sung quy hoạch khu công nghiệp trên đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng sản xuất, đất tập trung dân cư và chưa có trong quy hoạch sử dụng đất. Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.
Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp. Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tại một số địa bàn nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, việc phát triển khu công nghiệp cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.
Điểm sáng giữa thị trường “ảm đạm”
Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây ghi nhận, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp năm tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) và miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) ổn định đạt khoảng 85-90%.
Mức giá chào thuê đất công nghiệp trung bình theo khu vực ổn định so với quý trước, cụ thể như sau: tại miền Bắc giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 1,8 triệu/m2/chu kỳ thuê; tại miền Trung giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 768 nghìn/m2/chu kỳ thuê; tại miền Nam giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 1,7 triệu/m2/chu kỳ thuê.
Mức giá thuê đất công nghiệp được đánh giá là tăng ổn định, phù hợp với chất lượng kho bãi được cải thiện và nhu cầu về nhà xưởng gia tăng trong thời gian gần đây.
Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp mới nhất của Savills cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kì, tỷ lệ lấp đầy cụ thể: tại Hà Nội lên đến 90%, Bắc Ninh lên đến 95%, Hưng Yên là 89% và Hải Phòng là 73%. Trong khi đó, khu vực phía nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại TP.HCM là 88%, Bình Dương là 99%, Đồng Nai là 94%, Long An là 84%, Bà Rịa – Vũng Tàu là 79%.
Theo các chuyên gia, sự bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19 sẽ không làm thay đổi sức nóng của bất động sản công nghiệp. Savills Việt Nam khẳng định, bất động sản công nghiệp vẫn đang trên đà tăng trưởng và được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo của Savills Việt Nam dẫn đánh giá từ ấn phẩm Focus Economics, bất động sản công nghiệp đang được hưởng lợi từ bức tranh kinh tế chung như tăng trưởng bình quân của nền kinh tế tốt, môi trường chính trị ổn định, chi phí lao động thấp, lực lượng lao động tương đối có tay nghề cao. Đặc biệt, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm hấp dẫn mà các công ty muốn chuyển khỏi Trung Quốc do cuộc thương chiến Mỹ - Trung.
Đánh giá về thị trường bất động sản công nghiệp, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam - cho rằng: "Chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các bất động sản công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam là một yếu tố tích cực”.
Cũng theo ông Khương, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam cũng là một bài toán cần phải quan tâm.
Hải Đăng